Bóc mẽ chiêu trò "vẽ" dự án để kinh doanh bất động sản ở Hòa Bình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo luật sư, các doanh nghiệp lợi dụng thông tin quy hoạch, “vẽ” lên dự án sau đó sử dụng đội ngũ “cò đất” thực hiện chiêu trò giao dịch ảo, “thổi” giá đánh vào tâm lý "hám lời" của một số người thiếu hiểu biết gây ra hình thức kinh doanh BĐS theo kiểu đa cấp nhưng các cơ quan chức năng chưa can thiệp kịp thời, khiến hàng nghìn người dân bị lừa đảo.
Bóc mẽ chiêu trò "vẽ" dự án để kinh doanh bất động sản ở Hòa Bình

Theo một số chuyên gia về bất động sản, thời gian qua, Hòa Bình được đánh giá là một trong những địa phương mới nổi, được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, giá bất động sản tại đây đang bị đẩy lên bất thường. Nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.

Trên thực tế, Hòa Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó về pháp lý nên chưa thể ra hàng nhưng vẫn được rao bán, công khai bất chấp hành vi vi phạm pháp luật như Dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; Dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp, Mountain Villa – Lương Sơn Hòa Bình,Kai Village Resort, Ohara villa & resort, The Moon Village đã bị Sở Xây dựng Hòa Bình “bêu tên” trong văn bản số 145/SXD-QLN&TTBĐS .

Các chuyên gia cho rằng, đa số những "dự án ma" này có nguồn gốc là các khu đất ở vùng nông thôn được một số cá nhân mua gom. Sau đó, chủ đất lợi dụng các quy định pháp luật thiếu chặt chẽ để tách thửa, xây dựng thành "chuỗi" biệt thự nghỉ dưỡng.

Các căn biệt thự nghỉ dưỡng được rao bán ra thị trường lại được gắn mác tên dự án hoành tráng. Khi người mua chi cả vài tỷ đồng sở hữu một căn biệt thự "dự án ma" này thì họ có quyền ở hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư khai thác nghỉ dưỡng.

Trả lời các cơ quan báo chí, một đại diện Sở Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết, những dự án này bản chất là khu đất nông thôn có sổ đỏ được cá nhân mua lại, sau đó ủy quyền cho doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh mà không đăng ký dự án theo quy định pháp luật. Đến khi được rao bán, "cò đất" tự gắn mác là dự án bất động sản nghỉ dưỡng hoành tráng.

"Đất có sổ đỏ ở nông thôn, chưa có quy hoạch thì người dân tự xây dựng mà không phải xin cấp phép. Do đó, người ta không cần phải xin thủ tục qua Sở Xây dựng, thẩm quyền quản lý không qua Sở, mà chỉ chịu sự quản lý của địa phương".

Nói về khó khăn ngăn chặn các "dự án ma", vị đại diện cho rằng không thể cấm người dân ở nông thôn chỉ được xây một nhà, và quy định của luật lại không cấm việc ủy quyền, mua bán.

Do đó, theo vị đại diện Sở Xây dựng, để ngăn chặn được việc này, pháp luật cần cho phép đánh thuế căn nhà thứ hai là 50% hay 20%. Khi chịu thuế này, những chủ đất xây nhiều nhà cũng không còn nhiều lợi nhuận. Quan trọng hơn nữa, công tác lập quy hoạch cũng cần phải nhanh phủ kín để kiểm soát và thực hiện đồng bộ.

Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức – Văn phòng luật Hàm Rồng chia sẻ trên báo chí, nguyên nhân khiến cho nhiều người lao vào những dự án “ma” phần lớn là do thiếu hiểu biết và hám lợi. Nhưng bên cạnh đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thiếu biện pháp can thiệp, xử lý mạnh tay đối với hành vi này.

“Các doanh nghiệp lợi dụng thông tin quy hoạch, “vẽ” lên dự án sau đó sử dụng đội ngũ “cò đất” thực hiện chiêu trò giao dịch ảo để “thổi” giá. Nhiều người do thiếu hiểu biết và cũng hám lợi nên dính bẫy. Hình thức kinh doanh BĐS theo kiểu đa cấp đã xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nhưng cơ quan chức năng chưa can thiệp kịp thời, dẫn đến xảy ra sự việc hàng nghìn người dân đang bị lừa đảo” – luật sư Trịnh Hữu Đức nói.

Đọc thêm