Thời gian bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm
Về cơ bản, nội dung bồi dưỡng được giữ như Thông tư số 10/2014/TT-BTP và bổ sung thêm kỹ năng hỗ trợ cho hoạt động hành nghề LS. Về hình thức bồi dưỡng, dự thảo Thông tư đã mở rộng hình thức bồi dưỡng là lớp bồi dưỡng, bồi dưỡng thông qua tham gia tập huấn, hội nghị, tọa đàm, hội thảo liên quan đến nội dung bồi dưỡng.
Liên quan đến thời gian bồi dưỡng tối thiểu, dự thảo Thông tư giảm từ 16 giờ làm việc/năm xuống 8 giờ làm việc/năm. Bởi theo thực tế hiện nay, nếu duy trì thời gian bồi dưỡng tối thiểu 16 giờ/năm thì Liên đoàn LS Việt Nam cũng như 2 Đoàn LS lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không bảo đảm tổ chức đủ lớp bồi dưỡng để LS tham gia do lượng LS quá lớn cũng như khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng của các lớp bồi dưỡng.
Bày tỏ đồng tình, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng thời gian bồi dưỡng 8 giờ/năm là phù hợp, tuy ngắn nhưng thiết thực và sẽ đem lại hiệu quả hơn tổ chức bồi dưỡng kéo dài mà hình thức. Song, đại diện Học viện Tư pháp và Vụ Pháp luật hình sự - hành chính đề nghị giữ nguyên thời gian tối thiểu là 16 giờ/năm vì đội ngũ LS hiện nay ngày càng phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn chưa như mong muốn nên đòi hỏi cần nâng cao trình độ, tham gia bồi dưỡng nhiều hơn.
Giao Liên đoàn LS và các Đoàn LS tổ chức bồi dưỡng
Về cơ quan, tổ chức thực hiện bồi dưỡng, dự thảo Thông tư quy định rõ cơ quan, tổ chức thực hiện bồi dưỡng là Liên đoàn LS Việt Nam, Đoàn LS, Cục Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp và cơ sở đào tạo nghề LS. Dự thảo Thông tư bỏ quy định giao cho tổ chức hành nghề LS (văn phòng LS, công ty luật) thực hiện việc bồi dưỡng cho LS vì thực tiễn 4 năm triển khai Thông tư số 10/2014/TT-BTP cho thấy quy định này không khả thi và chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định Cục Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp là cơ quan thực hiện bồi dưỡng nhằm bảo đảm có sự gắn kết của cơ quan quản lý nhà nước với LS, tăng cường sự quản lý nhà nước, định hướng của Nhà nước đối với nghề LS. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng nên để Liên đoàn LS Việt Nam và các Đoàn LS địa phương liên kết với các cơ sở đào tạo để tổ chức bồi dưỡng sẽ phù hợp hơn.
Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của LS có nhiều điểm riêng biệt so với các điều kiện bắt buộc khác khi hành nghề LS nên cần quy định mềm dẻo, đảm bảo phù hợp yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo Bộ trưởng, số giờ bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm là hợp lý, các hình thức bồi dưỡng nên giữ như Thông tư 10.
Về cơ quan thực hiện bồi dưỡng, Bộ trưởng nêu rõ không nên mở rộng mà giao cho Liên đoàn LS, Đoàn LS, cơ sở đào tạo nghề, Học viện Tư pháp và một số cơ sở thuộc Liên đoàn LS, còn Cục Bổ trợ tư pháp và các Sở Tư pháp địa phương có nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ngoài ra, cần đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia bồi dưỡng của các cá nhân, tổ chức, đồng thời rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo cơ sở pháp lý khi quy định xử lý kỷ luật LS nếu không tham gia bồi dưỡng.