Bối rối trước... 10 nguyện vọng

(PLO) - Theo những điều chỉnh trong tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 thì năm nay mỗi thí sinh sẽ có tới 10 nguyện vọng. Chính vì vậy, Bộ đã đưa ra giải pháp các trường tuyển sinh theo nhóm để giảm hồ sơ ảo.

Toát mồ hôi vì nhóm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra giải pháp cho các trường có thể xét tuyển theo nhóm. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, với việc xét tuyển theo nhóm, thí sinh (TS) có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt 1 và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên.

Trong đợt xét tuyển đầu tiên, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng cùng một ngành. Các em có thể dùng 4 nguyện vọng ấy để đăng ký ngành Công nghệ thông tin của 4 trường trong nhóm này. Nếu các em không trúng tuyển trường top trên thì có thể trúng tuyển vào trường top giữa hoặc top dưới. Như vậy, đăng ký xét tuyển theo nhóm trường sẽ khuyến khích các em chọn ngành mình yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ.

Các trường khi tuyển sinh theo nhóm sẽ giảm bớt được TS “ảo” nếu TS nộp tất cả các nguyện vọng vào những nhóm trường này. Vì thế, việc lập nhóm trường sẽ có lợi cho TS và nhà trường. Tất nhiên, Luật Giáo dục đại học quy định việc tuyển sinh là của các trường, nên việc lập nhóm hay không là do các trường tự nguyện.

Tuy nhiên, theo một số trường đại học (ĐH), phương án xét tuyển theo nhóm trường chỉ có thể giảm TS xét tuyển “ảo” trong các trường thuộc một nhóm chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Ngoài ra, khi thực hiện xét tuyển theo nhóm, có thể một số trường vì lợi ích tuyển sinh của trường mình mà không chấp hành quy định chung mà nhóm đề ra.

Bởi theo PGS Trần Xuân Nhĩ: “Tuyển sinh theo nhóm chỉ là giải pháp tạm thời trong tình thế hiện nay. Để giải quyết tận gốc, Bộ cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện hơn trong thi cử. Bởi những lộn xộn này bắt đầu từ nguyên nhân căn bản là Bộ GD-ĐT vẫn quá mơ hồ về mục đích 2 kỳ thi. Việc công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH là không giống nhau”...

Bối rối... 10 nguyện vọng

Nếu năm 2015, ở đợt 1 xét tuyển mỗi TS chỉ có 1 phiếu đăng ký và chỉ được nộp duy nhất vào 1 trường thì năm 2016, ở đợt 1 TS có thể đăng ký 4 nguyện vọng vào 2 trường và đợt 2 được đăng ký 6 nguyện vọng vào 3 trường. Tuy nhiên, việc mỗi TS có tới 10 nguyện vọng để đăng ký vào nhiều trường sẽ khiến các trường rất khó dự đoán tỷ lệ TS vào trường hơn nhiều so với năm trước.

Không chỉ các trường lo lắng mà ngay các TS cũng bối rối khi lựa chọn. Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12 của một trường THPT ở Hà Nội cho biết: “Em đành nhắm mắt chọn bừa 10 nguyện vọng xem may rủi thế nào. Ở lớp em, với những bạn đã xác định mình thích làm nghề gì từ khi học lớp 10, lớp 11 thì cũng chỉ chọn 1, 2 ngành gần nhau chứ không đến 10 nguyện vọng như vậy”. 

Với điều chỉnh mới này trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ  GD-ĐT cũng thừa nhận khả năng hồ sơ “ảo” sẽ tăng lên nhiều nên đã đưa ra những giải pháp khuyến khích tuyển sinh theo nhóm. Các trường chủ động tập hợp với nhau thành nhóm để TS đăng ký và cùng đối phó với hồ sơ “ảo”. Hiện tại có 10 trường ĐH top trên lập nhóm tuyển sinh cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội, như: Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Giao thông, Thủy lợi, Ngoại thương…

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có thể sẽ còn rắc rối hơn nữa khi chia nhóm các trường để cùng nhau xây dựng dữ liệu phần mềm. Bởi nếu các trường đều vì lợi ích riêng của mình mà không chia sẻ thông tin chính xác thì trường khác sẽ bị nhiều hồ sơ “ảo”. Đồng thời, với những trường không nằm trong nhóm nào cũng bị thiệt thòi và sẽ có những hệ lụy rắc rối trong xét tuyển. 

Lo đối phó... “ảo”

Về giải pháp tuyển sinh theo nhóm trường, ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng cho biết, trường cũng đang lo đối phó với hồ sơ “ảo”. Do thời gian gấp rút quá, trường chưa tìm được nhóm liên kết nào nên vẫn tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, liên kết nhóm làm không cẩn thận sẽ xảy ra bất lợi cho các trường thành viên, vì trường nào cũng muốn giành TS về mình. Vậy làm sao để cho khách quan, công bằng giữa các trường? 

Nhiều chuyên gia đề xuất, đối với nhóm trường liên kết tuyển sinh thì quan trọng là Bộ phải đưa ra tiêu chí cụ thể, nhóm trường theo chuyên môn hay theo vùng, nếu vùng thì đến mức độ nào. Như vậy, nhóm trường ở đây phải có vai trò của Bộ, chứ không thể để cho các trường tự liên kết nhóm. Một khi có nhóm trường thì sẽ lọt một số trường tuyển độc lập và có thể sẽ sinh ra chuyện lộn xộn tiếp theo. Có thể trường tuyển sinh đơn lẻ sẽ có ít TS nộp đơn vào.

Ông Trần Hữu Nghị cũng cho rằng, những trường ĐH, CĐ xét tuyển theo nhóm phải thống nhất và thực hiện các quy định chung mà nhóm đề ra. Khi trường ĐH A xét tuyển ngành, tổ hợp này thì ĐH B xét tuyển ngành, tổ hợp khác.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đánh giá, việc xét tuyển theo nhóm chỉ mang lại lợi ích cho TS và giúp các trường ĐH, CĐ dự đoán và khắc phục được thí sinh “ảo” khi các trường có cùng ngành học, điểm tuyển sinh vào trường tương đương nhau.

Ví dụ như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM và ĐH Bách khoa TP HCM có những ngành nghề như: công nghệ, kỹ thuật trùng nhau đến 90%. TS đăng ký xét tuyển theo nhóm, nếu không đỗ ngành kỹ thuật công nghệ của một trường khoa học tự nhiên thì khó có thể chuyển sang các khối của trường xã hội và nhân văn.

 Ngoài ra, cần nghĩ tới việc có trường nào đó thuộc top “giữa” nghĩ tới lợi ích tuyển sinh của trường mà đăng ký tham gia xét tuyển với nhóm trường thuộc top trên sẽ ảnh hưởng tới việc lựa chọn ngành nghề, trường học theo sở thích của TS. Đơn cử như ngành Công nghệ của ĐH Bách khoa TP HCM lấy điểm chuẩn là 24 điểm, nhưng có TS chỉ đạt 23,75 điểm, không đỗ vào trường này nhưng lại cũng không được xét tuyển vào trường đào tạo ngang tầm với ĐH Bách khoa TP HCM mà lại bị đẩy xuống trường top dưới thì sẽ thiệt thòi cho các em. 

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa hà nội:

Thí sinh cần được tư vấn kỹ

Theo Quy chế, thí sinh cũng có thể đăng ký cả 2 nguyện vọng trường trong nhóm và 2 nguyện vọng trường ngoài nhóm. Nếu các em đăng ký 3 nguyện vọng trong nhóm trường thì có nghĩa các em không còn nguyện vọng để đăng ký ở trường ngoài nhóm.Vì vậy, nếu các em muốn đăng ký cả trường xét tuyển theo nhóm và trường xét tuyển ngoài nhóm thì các em chỉ nên đăng ký 2 nguyện vọng trong nhóm trường và đăng ký 2 nguyện vọng vào trường không xét tuyển theo nhóm. Các em sẽ không mất quyền lợi gì trong việc xét tuyển theo nhóm này.

Tuy nhiên, thí sinh đăng ký vào nhóm trường hay không phải cân nhắc rất kỹ vì năm nay không thể điều chỉnh được nguyện vọng của mình. Vì vậy, công tác tư vấn của các trường phải rất kỹ cho thí sinh trước khi đăng ký.

Đọc thêm