Ngày 5/5, Thương vụ Việt Nam tại Brazil (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 24/4 vừa qua, Công báo của Brazil đã đăng tải thông báo của Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil về việc chính thức thu hồi lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam.
Đây là một trong những kết quả cụ thể và sớm nhất hai Bên đạt được trong việc triển khai các mục tiêu nêu trong Kế hoạch hành động, giai đoạn 2025-2030, đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển toàn diện và thực chất; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.
Trước đó, vào tháng 2/2024, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) đã thông báo về việc tạm dừng nhập khẩu cá Việt Nam để đánh giá lại quy trình kiểm dịch y tế hiện hành trước nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm vi-rút TiLV (Tilapia tilapinevirus) - một căn bệnh truyền nhiễm và dễ lây lan ở cá - bên cạnh các hoạt động công nghiệp được cho rằng “không tuân thủ các tiêu chuẩn y tế của Brazil”.
Từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, chính phủ Brazil đã cấp 22 giấy phép nhập khẩu phi lê cá rô phi từ Việt Nam và từ chối hai giấy phép khác. Chỉ có một chuyến hàng được thông quan vào Brazil vào tháng 12/2023.
Sau quyết định tạm ngừng nhập khẩu, Hiệp hội Công nghiệp Cá Brazil (Abipesca) bày tỏ lo ngại về nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ các thị trường hoạt động trong điều kiện khác biệt. Hiệp hội Nuôi cá Brazil (Peixe BR) cho rằng quyết định của MAPA là "thiếu thận trọng".
Trước những phản ứng mạnh mẽ cùng lo ngại của các Hiệp hội Brazil về việc nhập khẩu cá rô phi có thể gây ảnh hưởng cho chuỗi thủy sản quốc gia, Chính phủ Brazil khẳng định, việc cho phép nhập khẩu cá rô phi là một quyết định “không thể đảo ngược” và nằm trong khuôn khổ đàm phán giữa hai nước, trong đó có nội dung mở cửa thị trường thịt bò Việt Nam.
Về mặt kỹ thuật, MAPA cho biết kết quả Phân tích rủi ro nhập khẩu (ARI) được tiến hành trong năm 2024 cho thấy rủi ro lây lan vi-rút TiLV từ phi lê cá rô phi là không đáng kể, khả năng tiếp xúc được đánh giá là không đáng kể, còn với cá nguyên con, khả năng tiếp xúc rất thấp và có thể được kiểm soát bằng các biện pháp quản lý. MAPA cũng khẳng định việc dỡ bỏ đình chỉ nhập khẩu không làm ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cao về phòng vệ sức khỏe quốc gia.
Cơ quan này nhấn mạnh rằng từ năm 2020, Brazil đã cập nhật quy trình thiết lập các yêu cầu về sức khỏe đối với việc nhập khẩu cá tươi, ướp lạnh, đông lạnh hoặc đã moi ruột từ nuôi trồng thủy sản. Các quy định này được xây dựng dựa trên cơ sở kỹ thuật và hài hòa với hướng dẫn của Bộ luật Sức khỏe Động vật Thủy sản của Tổ chức Thú y Thế giới (WHO).
Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng cho biết, hai bên đang tiếp tục đàm phán để hoàn tất các bước kỹ thuật cuối cùng, nhằm cho phép Brazil nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm cá tra phi lê theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đổi lại, phía Việt Nam sẽ mở cửa cho sản phẩm thịt bò của Brazil. Sản phẩm nội tạng bò của Brazil và sản phẩm tôm các loại của Việt Nam (bao gồm cả tôm nguyên con chưa qua xử lý nhiệt) sẽ tiếp tục được đàm phán trong thời gian tiếp theo.
“Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và hàng xuất khẩu trong nước cần tìm thị trường thay thế, việc mở cửa thị trường Brazil cho sản phẩm cá tra và có thể xuất khẩu trở lại sản phẩm cá rô phi sẽ mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, qua đó góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nói chung, từng bước cân bằng cán cân thương mại và hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD vào năm 2030”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil nhận định.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, việc hoàn thành các vấn đề kỹ thuật để mở cửa thị trường chỉ là bước khởi đầu, các cơ sở chế biến thủy sản trong Danh sách xuất khẩu sang Brazil cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu thị trường Brazil.