Bức xúc trước tình trạng BV mắt Hà Nội tráo thủy tinh thể

 Một điều dưỡng viên của Bệnh viện mắt Hà Nội(BVMHN) có gửi đơn lên báo PLVN Chủ nhật phản ánh về tình trạng tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân từ sản phẩm của Mỹ thành của Ấn Độ, Singapore có chất lượng và giá thành thấp hơn để trục lợi. Sự việc gây bất bình này, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng tỏ sai phạm, để hai chữ “Y đức, không vấy bẩn trong nghành Y tế.”

Một điều dưỡng viên của Bệnh viện mắt Hà Nội (BVMHN) có gửi đơn lên báo PLVN Chủ nhật phản ánh về tình trạng tráo nhân thủy tinh thể của bệnh nhân từ sản phẩm của Mỹ thành của Ấn Độ, Singapore có chất lượng và giá thành thấp hơn để trục lợi. Sự việc gây bất bình này, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc để làm sáng tỏ sai phạm, để hai chữ “Y đức, không vấy bẩn trong nghành Y tế”.
Phẫu thuật mắt. Ảnh chỉ mang tính minh họa
Phẫu thuật mắt. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Nhập nhằng chuyện tráo thủy tinh thể

Theo đơn tố cáo của Điều dưỡng viên BVMHN N.M.C., nhiều tháng qua Bệnh viện mắt Hà Nội khi mổ cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể, thay vì thay nhân mắt IQ của Mỹ như đã tư vấn và thu tiền (theo hoá đơn  thu tiền của bệnh viện) thì Bệnh viện mắt Hà Nội đã thay cho bệnh nhân nhân Hoya và Focus của Singapore và các nước khác.

Người bệnh không hay biết  việc đánh tráo nhân mắt sau khi phẫu thuật thay nhân mắt cũng không xác định được. Nhưng một số người đã từng thay nhân thủy tinh thể tại BVMHN thì từ khi thay nhân mắt ở đây, mắt họ đã có những biểu hiện bất thường.

Cụ thể bà Đặng Thị Thu, thành phố Hải Dương cho biết, bà nhập viện ở BVMHN vào tháng 4/2011 và đã nộp 6,4 triệu đồng chi phí thay nhân mắt và được các bác sỹ ở đây tư vấn dùng lại nhân IQ của Mỹ rất tốt. Nhưng sau khi thay nhân một bên mắt  thị lực chỉ “nhỉnh” hơn trước một chút. Không “dám” tiếp tục thay thủy tinh thể ở BVMHN, nhân thuỷ tinh thể của con mắt còn lại, bà Thu thay ở Bệnh viện mắt TW và đã có những dấu hiệu rất khả quan.

Một trường hợp khác cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười như bà Thu là bà Nguyễn Thị Hoàn, Hà Nội. Bà vào BVMHN điều trị thay nhân thủy tinh thể bên phải vào cuối tháng 7/2011. Đến bây giờ, sau hơn 2 tháng thay nhân mắt bà Hoàn vẫn chưa hết bức xúc: “Nghe bệnh viện quảng cáo nhân thủy tinh thể của Mỹ dùng rất tốt nên tôi cũng tin tưởng giao phó cho bác sỹ. Nhưng đến nay mắt vẫn khi mờ khi tỏ. Quan trọng hơn là mình cũng không kiểm chứng được thực sự trong mắt của mình nhân thủy tinh thể có thực sự của Mỹ hay không. Con mắt chưa mổ cũng đã kém lắm rồi, nhưng có mổ tôi cũng sẽ không dám vào BVMHN mổ tiếp”.

Trao đổi với PLVN Chủ nhật, Điều dưỡng viên N.M.C. cho biết, sở dĩ nhiều người thay nhân mà mắt vẫn mờ không thể không tính đến khả năng đánh tráo nhân thủy tinh thể. BVMHN cũng không công khai minh bạch cho các bệnh nhân khi thay nhân thủy tinh thể hiểu rõ chất lượng và giá cả của từng loại nhân thủy tinh thể để bệnh nhân lựa chọn mà chỉ giới thiệu là bệnh viện  chỉ duy nhất dùng một loại nhân mắt ALCON của Mỹ.

Song, sự thật hoàn toàn khác hầu hết bệnh nhân đóng tiền thay nhân thủy tinh thể của Mỹ nhưng khi thay các bác sĩ bệnh viện Mắt đã tự ý tráo thành nhân thủy tinh thể của Hàn Quốc hoặc Singapore. Có nhiều bệnh nhân dù đã đóng tiền nhân mắt mổ là ALCON nhưng khi mổ và thay nhân thì cả hai đều là nhân FOCUS và cho tới khi ra viện và về nhà cũng chưa có một bác sỹ nào tới thông báo cho họ là mắt của họ phải đặt nhân này mới phù hợp.

Và dấu chấm hỏi cho 2 chữ “Y đức”

Phản ánh với PLVN Chủ nhật, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy, Khoa khám bệnh, BVMHN cho biết :“Trên thực tế, ở bệnh viện mắt Hà Nội, nhiều bệnh nhân được sử dụng loại nhân xuất xứ không phải thuộc hãng IQ của Mỹ, nhưng họ cứ tưởng là được lắp nhân IQ của Mỹ như ghi trong hoá đơn thu tiền. Và việc đưa một số loại nhân như Hoya, Focus vào sử dụng cho bệnh nhân mổ mắt là theo quyết định của Giám đốc bệnh viện. Vì việc này diễn ra quá thường xuyên, và bệnh nhân chắc chắn sẽ có người bị ảnh hưởng nên nhiều bác sĩ, y tá thấy băn khoăn và có góp ý với giám đốc nhưng không được tiếp thu”.

Điều dưỡng viên N.T.M.C. cũng phản ánh về việc lãnh đạo BV đã lợi dụng chức quyền chi tiêu vô nguyên tắc như dùng tiền công chi tiêu bừa bãi. Cụ thể như trong qui chế chi tiêu nội bộ không có mục bồi dưỡng cho phẫu thuật viên mổ Lazic, nhưng Giám đốc vẫn ký chi. Bên cạnh đó, phẫu thuật Phaco (là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bằng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới của ngành nhãn khoa thế giới) theo qui định của Bộ y tế là phẫu thuật loại I gồm 1 bác sĩ chính và 2 bác sĩ phụ. Nhưng trên thực tế, chỉ 1 bác sĩ chính và 1 bác sĩ phụ tham gia phẫu thuật.

Từ khi ở cương vị Giám đốc BVMHN, bà Vũ Thị Thanh đã cho phép ghi bồi dưỡng cho 2 bác sĩ phụ để hàng tháng rút tiền của Nhà nước chia cho một nhóm các bác sỹ, trong đó có phần của mình. Cụ thể để hợp thức hóa số người phụ Giám đốc đã phân 3 bác sĩ phẫu thuật chính vừa mổ vừa phụ cho nhau.

Bác sỹ N.T.T. cho biết: “Cũng vì việc làm đơn kiến nghị với Ban Giám đốc BVMHN về một số sai phạm trong công tác quản lý tại Khoa Khám bệnh về một số sai phạm trong việc duyệt chi tiền bồi dưỡng phẫu thuật cho các bác sỹ đã không tham gia phụ mổ nên ngày 28/7/2011 tôi được thông báo luân chuyển lên khoa Đáy mắt từ 1/8/2011 ( Quyết định do Giám đốc ký ). Đây là một hành động gây khó khăn cản trở công việc của tôi”.

Tương tự Bác sỹ T., Điều dưỡng viên N.T.M.C. phản ánh, vì bản thân đã có lần thẳng thắn góp ý, đấu tranh với những việc làm sai trái, có dấu hiệu vi phạm y đức của một số lãnh đạo BVMHN mà có lần chị đã bị một nhóm người lạ mặt đến tận nhà và dùng lời lẽ đe dọa. Chị M.C. đã không ít lần nhận những tin nhắn nặc danh với lời lẽ hăm dọa cũng như xúc phạm kiểu như “Con kiến mà đòi kiện củ khoai à”; “Đồ khố rách áo ôm”.

Và, “cái kết” cho những sự việc bất thường tại BVMHN vẫn dành cho các cơ quan chức năng vào cuộc. Công luận đang chờ một câu trả lời sớm từ phía các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ những sai phạm ở Bệnh viện để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bệnh cũng như tránh làm hoen ố hai từ “Y đức” cao quý trong nghành Y tế.

Hoàng Mộc Lan

Đọc thêm