Bùng nổ 'du lịch chữa lành' thời COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe tinh thần. Với mục đích giúp mang lại cho du khách trải nghiệm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp cân bằng, duy trì, phục hồi cảm xúc ở trong tâm hồn, du lịch chữa lành đang đứng trước cơ hội bùng nổ.
Du lịch chữa lành hỗ trợ tái tạo năng lượng thể chất, đồng thời thư giãn và xoa tâm hồn sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện đại.
Du lịch chữa lành hỗ trợ tái tạo năng lượng thể chất, đồng thời thư giãn và xoa tâm hồn sau những bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện đại.

Du lịch chữa lành được các chuyên gia định nghĩa là “một hiện tượng nhằm nâng cao sức khỏe cá nhân cho khách du lịch đến các điểm đến cung cấp các dịch vụ và trải nghiệm để trẻ hóa cơ thể, tâm trí và tinh thần”. Du lịch chữa lành còn được biết đến dưới một vài tên gọi khác như du lịch chăm sóc sức khỏe hay du lịch spa, du lịch wellness …

Vì sao chúng ta cần du lịch chữa lành?

Du lịch chăm sóc sức khỏe đã xuất hiện hàng nghìn năm về trước khi những người hành hương ở Hy Lạp đi từ vùng Địa Trung Hải rộng lớn cho đến vùng lãnh thổ nhỏ bé thuộc vịnh Saronic và có tên gọi Epidauria. Vùng đất này vốn là một nơi thờ vị thần chữa bệnh Asklepios và Epidauria trở thành một điểm du lịch chăm sóc sức khỏe đầu tiên.

Ở Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, nguyên nhân đầu tiên khiến xu hướng du lịch chữa lành bùng nổ là do nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao. Nhiều người ở Việt Nam đã có dư giả điều kiện kinh tế để có những nhu cầu hưởng thụ cao hơn, trong đó có trải nghiệm về du lịch.

Nguyên nhân thứ hai khiến loại hình du lịch này phát triển là do nhiều khách du lịch muốn tìm kiếm sự cân bằng trong tinh thần bởi những áp lực trong cuộc sống hiện đại. Theo một kết quả khảo sát từ Ths.Phạm Thị Thanh Huyền, Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhóm đối tượng hay bị stress thường có độ tuổi từ 25 - 44, làm trong các ngành xa rời cuộc sống tự nhiên và thường tiếp xúc với máy tính, bận rộn với công việc. Đây cũng là nhóm có thu nhập ổn định, chủ yếu sống ở thành thị, chịu áp lực lớn từ công việc và gia đình, dễ bị căng thẳng.

Đại dịch COVID-19 khiến sức khỏe tinh thần của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại dịch COVID-19 khiến sức khỏe tinh thần của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đại dịch COVID-19 kéo dài với quy mô lớn hơn nhiều so với dự báo. Song song với những thiệt hại về kinh tế - xã hội là gánh nặng bệnh tật và số ca tử vong tăng theo thời gian. Đại dịch còn là tác nhân nghiêm trọng gây tổn thương tâm lý và sức khỏe tinh thần con người ở khắp nơi trên thế giới. Quả thực, sau thời gian dài phải giãn cách xã hội, tâm lý du khách nội địa tại Việt Nam nhìn chung là tù túng, bế tắc, thiếu cơ hội giao lưu bạn bè và rải nghiệm môi trường mới, tách biệt với thiên nhiên.

Cùng với sự xuất hiện và tàn phá của đại dịch là những thay đổi trong thói quen sinh hoạt thường ngày trong bối cảnh kinh tế-xã hội bị tác động mạnh. Doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, đóng cửa, thậm chí phá sản, công nhân và người lao động bị mất việc. Nông dân bị tổn thất kinh tế do nông sản không thu hoạch hoặc không có thị trường tiêu thụ kịp thời. Các hoạt động vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn đóng cửa. Học sinh, sinh viên không có kỳ nghỉ hè trọn vẹn, trải qua một mùa tựu trường khác thường và phải theo học trực tuyến.

Công việc và thu nhập bị giảm sút, nỗi lo sinh kế, cơm áo gạo tiền đè nặng khiến sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, áp lực làm việc online, làm việc “ba tại chỗ”, phải xa gia đình cùng với những thông tin tiêu cực về dịch bệnh khiến cho nhiều người căng thẳng, rối loạn, lo âu. Cuộc sống mọi người bỗng chốc bị bó buộc so với trước đây như quy định thường xuyên đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, không tập trung đông người, không tiếp xúc gần với người khác, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.

Cách ly tại nhà, chờ đợi tiêm vaccine khiến không ít người khó chịu, căng thẳng kéo dài dẫn đến trầm cảm, suy sụp tinh thần. Những phản ứng tiêu cực như thách thức, lăng mạ, đe dọa, xúc phạm, chống đối, thậm chí hành hung lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát dịch bệnh có thể là biểu hiện liên quan đến những bất ổn về sức khỏe tinh thần.

Có thể thấy, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch không giống nhau giữa các nhóm dân cư khác nhau. Tuy nhiên, đại dịch gây tâm lý lo lắng, sợ hãi cho tất cả mọi người, nhất là nhóm người có thể trạng yếu như người già, người có bệnh nền… Bối cảnh đó đã phần nào giải thích tầm quan trọng và sự lên ngôi của các mô hình du lịch chữa lành.

Tiềm năng bỏ ngỏ ở nước ta so với thế giới

Theo chia sẻ của nhà đồng sáng lập Wellness Tourism Association – Andrew Gibson, ngành công nghiệp du lịch chữa lành đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Ngành du lịch này không còn là xu hướng đầu tư ngắn hạn. Trước nhu cầu thực tế, du lịch chữa lành đã trở thành định hướng đến tư duy phát triển dài hạn ở trong kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhằm tạo điều kiện để cho du khách biết tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho sức khỏe, có thời gian để tận hưởng một cảm giác bình yên khi đi du lịch.

Loại hình du lịch chữa lành của Việt Nam còn khá sơ khai.

Loại hình du lịch chữa lành của Việt Nam còn khá sơ khai.

Tại các nước có nền công nghiệp du lịch phát triển thì mô hình du lịch kết hợp với trải nghiệm, chăm sóc sức khỏe và cân bằng được cảm xúc trong tâm hồn đã bùng nổ từ lâu. Các quốc gia đầu tiên phát triển mô hình này phải kể đến là Nhật Bản với hình thức tắm onsen. Loại dịch vụ này đã tạo nên một thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng của xứ sở Phù Tang. Hay như dịch vụ tắm đá muối ở Hàn Quốc và du lịch kết hợp cùng thiền định và Yoga tại Ấn Độ cũng trở nên nổi tiếng và thu hút khách du lịch trên toàn thế giới. Những suối nước khoáng cho các bệnh nhân đến nghỉ ngơi, tắm và giúp hồi phục cũng có thể coi là dạng đầu tiên của loại hình du lịch này.

Mô hình du lịch kết hợp cùng chăm sóc sức khỏe có thiết kế về các liệu trình chăm sóc chuyên biệt như như thiền, yoga, massage hàng ngày… Du khách khi đến đây là những người muốn tìm kiếm các chu trình chăm sóc sức khỏe để giúp thải độc, thanh lọc cũng như là trẻ hóa cơ thể thông qua chế độ ăn uống được thiết kế dành riêng của các chuyên gia, bác sĩ đã có kinh nghiệm.

Nhìn lại Việt Nam, mô hình du lịch này tuy đã xuất hiện nhiều năm nhưng vẫn còn khá sơ khai. Những liệu trình chăm sóc sức khỏe những điểm du lịch ở Việt Nam cũng còn chưa được khai thác nhiều. Mô hình kinh doanh du lịch chữa lành tại Việt Nam có số sản phẩm còn thiếu tính đặc sắc, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút khách.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, nguyên nhân chính khiến du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn bị bỏ ngỏ ở Việt Nam là do ngành du lịch chưa nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể trong việc phát triển loại hình này. Mặc dù, nhu cầu của khách du lịch tới Việt Nam được trải nghiệm mô hình này là rất lớn.

Minh chứng cho điều đó, năm 2018, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Thực tế đó cho thấy, không chỉ du khách quốc tế mà du khách nội địa cũng có nhu cầu rất lớn đối với loại hình du lịch chữa lành.

Trên thực tế, để du lịch chữa lành có thể phát triển mạnh mẽ, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần phối hợp với ngành y tế để đưa ra các giải pháp mở rộng loại hình du lịch này. Sự liên kết giữa hai ngành để xây dựng bộ tiêu chí chuẩn hóa các dịch, quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến quảng bá loại hình du lịch sức khỏe ở cả trong và ngoài nước… sẽ là những yếu tố quyết định thành công của du lịch chữa lành tại Việt Nam.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm