Bùng nổ livestream bán hàng, quản thế nào?

(PLVN) - Các màn bán hàng trực tiếp đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ trên Facebook và TikTok. Lượng đơn hàng được chốt trong mỗi buổi livetream lên đến hàng trăm. Đây sẽ là thách thức lớn đối với lực lượng quản lý thị trường.
Số hàng hóa vi phạm bị tạm giữ tại kho livestream ở Cà Mau lên tới 10 tấn. (Ảnh: DMS)

Có thể nói, sự phát triển các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng đang bước vào thời điểm bùng nổ bởi tính chất dễ dàng trong việc tiếp cận khách hàng cũng như các thông tin quảng cáo, tiện lợi, đa dạng để lựa chọn hàng hóa, dịch vụ.

Vụ việc mà Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa thông tin cho thấy mức độ cực lớn của sự bùng nổ phương thức bán hàng livestream. Theo đó, từ nguồn tin đã được thẩm tra, xác minh, Đội QLTT số 6 (Cục QLTT tỉnh Cà Mau) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store. Theo đại diện đoàn kiểm tra, bên ngoài địa điểm kiểm tra này là địa chỉ của quán tạp hóa kinh doanh sữa, bỉm và nhiều đồ tiêu dùng thiết yếu khác. Toàn bộ hoạt động livestream, chốt đơn sản phẩm và đóng gói hàng hóa được thực hiện phía sâu bên trong quán tạp hóa, nên rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng nhanh chóng xác định, hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store thực hiện kinh doanh chủ yếu trên facebook theo hình thức livestream chốt đơn qua hai tài khoản chính mang tên “Nguyễn Mai Store Cà Mau” với 6.800 lượt thích, 10.000 lượt theo dõi và facebook “Nguyễn Mai Store” với 1.300 lượt thích, 1.600 lượt theo dõi. Với mỗi phiên livestream, các tài khoản này đều có hàng trăm lượt comment, chốt đơn sản phẩm.

Số liệu cho thấy, trong 2 ngày bán hàng, cơ sở này chốt và gửi đi số tiền hàng tương đương khoảng 600 triệu đồng. Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm. Bước đầu lực lượng chức năng nhận định, phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ. Theo ông Phạm Văn Út - Đội trưởng Đội QLTT số 6, ước tính số lượng tang vật và hàng hóa vi phạm bị tạm giữ lên tới 10 tấn.

Cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội, Tổng cục đã xác định kiểm tra hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử (TMĐT) là hoạt động chính của toàn lực lượng. Tuy nhiên, các vi phạm trên môi trường này vẫn diễn ra với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi công tác kiểm tra, quản lý đặc biệt quản lý bán hàng trên mạng xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng.

Sự khó khăn thường gặp là khó xác định được danh tính, không có cơ sở kinh doanh cố định, lưu giữ hàng hóa ở nhiều nơi; Các đối tượng kinh doanh lập nhiều tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok...), bán hàng theo hình thức livestream hoặc đăng bán và địa chỉ đưa ra trên mạng đa phần là địa chỉ… “ma”.

Do đó, Tổng cục đã có các kế hoạch cụ thể để triển khai đến từng địa phương, từ đó giao nhiệm vụ đến các đội để các đội nắm và thực hiện. Theo đó, các đội sẽ chủ động rà soát các tổ chức, cá nhân có sử dụng website, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… trên địa bàn, để từ đó lập kế hoạch, phương án kiểm tra các dấu hiệu vi phạm. Đồng thời làm việc với các ngành chức năng, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình cũng như phối hợp triển khai công tác QLTT, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT.

“Chủ động nắm tình hình về đối tượng, địa bàn; Rà soát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT của các tổ chức, cá nhân; Kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là việc mà các đội QLTT tại địa bàn thường thực hiện, để sớm nắm bắt được tình hình kinh doanh trực tuyến tại địa phương”, đại diện Tổng cục QLTT nói.

Đại diện Tổng cục cũng bày tỏ mong muốn được chia sẻ thông tin cập nhật, kịp thời về cơ sở dữ liệu và các hoạt động khác trên nền tảng TMĐT, đặc biệt là hoạt động trên các sàn TMĐT như TikTok, Shopee, Lazada… Tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin, hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ lực lượng chức năng tại địa phương (như Công an, Hải quan, Thuế…) đối với hoạt động của các website, ứng dụng, sàn TMĐT để có thể theo dõi chặt chẽ hơn phương thức kinh doanh đang bùng nổ này.

Đọc thêm