Nuôi tôm, phải phù hợp với đặc thù của từng địa phương
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện Cục Thủy sản cho biết: Người nuôi tôm trong năm 2024 cần tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh tại những vùng nuôi tôm trọng điểm để dự báo chính xác và có cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, người nuôi tôm phải được hướng dẫn về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả với từng phương thức nuôi.
Đại diện Cục Thủy sản tham luận về hiện trạng và định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam. |
Người nuôi tôm phải kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc, phát triển nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế (ASC, BAP, hữu cơ...). Các địa phương tăng cường quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất. Đồng thời, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC,…
Tại diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận, giải đáp các vấn đề đại biểu đưa ra, đồng thời chia sẻ của một số doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân về giống, thức ăn,.. |
Chia sẻ về kết quả bước đầu trong việc nuôi tôm rừng giảm phát thải, ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng, giải pháp giảm phát thải có 3 cách gồm sản xuất không gây phát thải, giải pháp bù trừ bằng việc có rừng để hấp thụ carbon và giải pháp chuyển đổi sản xuất.
“Trong nuôi tôm rừng, để không phát thải phải giảm ô nhiễm từ đất, nước bà con nuôi tôm rừng lưu ý phải đảm bảo tỷ lệ rừng đúng theo quy định của pháp luật và hạn chế thấp nhất ô nhiễm để làm phát thải khí nhà kính”, ông Bằng nói.
Đại diện Công ty TNHH Grobest Industrial Việt Nam cũng đưa ra các yếu tố chính hỗ trợ người nuôi tôm. Cụ thể, tư vấn thiết kế và hỗ trợ vận hành trại nuôi xây mới hoặc đề xuất chỉnh sửa các farm hiện hành để tối ưu hoạt động của trại nuôi. Ngoài cung cấp con giống chất lượng cao cho người nuôi, Công ty GROBEST còn liên kết với các Công ty giống uy tín và chất lượng xây dựng và kiểm soát chặt chẽ cùng các đối tác… Từ đó, người nuôi sẽ được tư vấn nuôi tôm đạt cỡ thu hoạch và sản lượng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cần mối liên kết "ba nhà"
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về hiện trạng và giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ; Ứng dụng chế phẩm sinh học vào phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả và bền vững, an toàn, giảm phát thải; Ứng dụng công nghệ Grofarm trong nuôi tôm nước lợ góp phần giảm phát thải, ứng phó BĐKH và một số giải pháp giúp phát triển bền vững nghề nuôi tôm trước biến đổi khí hậu hiện nay tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, một số doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân chia sẻ về giống, thức ăn, vật tư, thu mua, sơ chế...
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu kết luận tại Diễn đàn. |
Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, người nuôi tôm phải ứng dụng công nghệ cao, nuôi hữu cơ, nuôi xen ghép các đối tượng thuỷ sản, sử dụng chế phẩm vi sinh, ứng dụng công nghệ thông tin giám sát môi trường, dịch bệnh, quản lý sức khoẻ tôm nuôi. Đồng thời, tích hợp đa giá trị (công nghệ, tổ chức quản lý, chứng nhận chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường…) theo chuỗi giá trị giúp nâng cao giá trị sản phẩm tôm nuôi.
Thay đổi cách tiếp cận và tư duy trong đào tạo, tập huấn để phù hợp với nhu cầu thực tiễn nuôi tôm nước lợ tại các địa phương như: nuôi tôm thẻ, tôm sú theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất hàng hóa; quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc… chú trọng đào tạo theo tư duy “kinh tế nông nghiệp” với các nội dung mới về tổ chức quản lý sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thị trường, kinh tế hợp tác.
“Chúng tôi mong muốn các nhà công nghệ cùng ngồi lại với nhau để tích hợp các công nghệ, xây dựng những mô hình hiệu quả hơn, bền vững hơn. Chúng tôi cũng mong muốn người nuôi tôm cần tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, chất lượng trong giảm phát thải, đặc biệt liên kết chuỗi phải đảm bảo chặt chẽ”, ông Thanh bày tỏ.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đến tham quan Mô hình liên kết hợp tác nuôi tôm theo công nghệ Grofarm tại ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. |
Trước đó, nằm trong hoạt động Diễn đàn Khuyến Nông @ Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị liên quan đến tham quan Mô hình liên kết hợp tác nuôi tôm theo công nghệ Grofarm tại ấp Xẻo Sao, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn. Đây là mô hình có quy mô 3ha, thời gian thả giống nuôi bắt đầu từ ngày 30/4/2024, với mật độ nuôi 300 con/m3 và ước tính năng suất đạt khoảng 50 tấn/ha.