Bước đi sai lầm của Facebook

Hành động chặn nội dung tin tức, tuyên chiến với báo chí và các chính trị gia được coi là bước đi sai lầm trong chiến lược PR của Facebook.

Cuộc chiến giữa Australia với Facebook và Google, liên quan tới dự luật buộc hai gã khổng lồ công nghệ phải trả tiền cho việc hiển thị nội dung tin tức, đã râm ran suốt năm qua. Tuy nhiên, quyết định bất ngờ chặn tất cả nội dung tin tức của Australia trên nền tảng Facebook đã đẩy xung đột lên một cấp độ hoàn toàn mới.

Một trong những tờ báo của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch mô tả đó là "hành động chiến tranh". Trong khi đó, giới công nghệ đang đặt câu hỏi liệu Mark Zuckerberg có "chơi quá tay", và liệu hành động "phô diễn sức mạnh" của mạng xã hội này có khiến nhiều quốc gia khác sẽ theo chân Australia hay không.

Steve Evans, cựu phóng viên BBC, nhận định: "Họ đã làm hỏng nó, hoàn toàn không nghi ngờ gì về điều đó. Họ không chỉ chặn các cơ quan truyền thông mà còn chặn luôn các trang web y tế của chính phủ. Quyền truy cập vào thông tin vốn được cập nhật từng phút, chẳng hạn về Covid-19, đột nhiên không còn trên Facebook".

Nếu Zuckerberg nghĩ rằng động thái táo bạo của mình trong việc áp đặt một lệnh cấm hiển thị tin tức ở một quốc gia sẽ khiến chính trị gia trên toàn thế giới phải suy nghĩ lại về cách họ quản lý Facebook, ông có thể đã đúng. Nhưng việc "suy nghĩ lại" ở đây chính là họ có thêm quyết tâm để "cắt đôi cánh" của Facebook. 

Hành động phô diễn quyền lực của Facebook được đánh giá là phản tác dụng. Ảnh: Reuters.
Hành động phô diễn quyền lực của Facebook được đánh giá là phản tác dụng. Ảnh: Reuters. 

Hành động của 'kẻ bắt nạt'

Quyết định của Facebook khiến họ phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ, không chỉ từ các tòa soạn báo và chính trị gia Australia mà còn trên khắp thế giới.

Tại Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline khẳng định Facebook không tương thích với nền dân chủ và việc đe dọa khiến một quốc gia phải quỳ gối là sự thừa nhận của quyền lực độc quyền.

Tại Anh, nghị sĩ Julian Knight đánh giá Facebook đang cư xử như một kẻ chuyên đi bắt nạt. "Đây là một động thái khó hiểu. Quyết định 'rút phích cắm' thể hiện kiểu văn hóa doanh nghiệp tồi tệ nhất", ông nói.

Theo Reuters, Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault, người đang soạn thảo luật yêu cầu các nền tảng trực tuyến trả tiền cho việc sử dụng nội dung truyền thông, đánh giá động thái của Facebook là "vô trách nhiệm" và "không thể ngăn cản chúng tôi tiến lên phía trước".

Henry Faure Walker, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, cho biết việc cấm hiển thị tin tức trong thời kỳ đại dịch toàn cầu là "một ví dụ kinh điển về việc một thế lực độc quyền - kẻ bắt nạt ở sân trường - cố gắng bảo vệ vị trí thống trị của mình mà không quan tâm đến công dân và khách hàng mà họ phục vụ".

Dietmar Wolff, đứng đầu hiệp hội các nhà xuất bản tin tức BDZV của Đức, nói: "Đã đến lúc chính phủ trên toàn thế giới hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng đóng vai trò gác cổng".

Lisa Davies, biên tập viên của tờ Sydney Morning Herald viết trên Twitter rằng, việc chặn nội dung tin tức chính thống của Facebook "gia tăng cơ hội cho thông tin sai lệch, chủ nghĩa cực đoan nguy hiểm và các thuyết âm mưu tràn lan trên nền tảng của mình theo cấp số nhân".

Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định chính phủ nước này sẽ vẫn duy trì kế hoạch của mình mà không quan tâm tới hành vi "bắt nạt" của hãng công nghệ Mỹ.

"Facebook đã mắc sai lầm. Hành động của Facebook không cần thiết và sẽ làm tổn hại uy tín của chính họ tại Australia", ông Frydenberg nói.

Nhiều trong số 17 triệu người dùng Facebook tại Australia cũng đang tuyên bố tẩy chay nền tảng mạng xã hội này, đồng thời kêu gọi truy cập trực tiếp vào các website báo chí thay vì lên Facebook.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Facebook cho biết Mark Zuckerberg đã có "một cuộc gọi mang tính xây dựng với ông Josh Frydenberg và một lần nữa bày tỏ sự thất vọng với luật được đề xuất". Bà cho biết Facebook sẽ tiếp tục hợp tác với các chính phủ để sửa đổi luật.

Hai mặt của vấn đề

Tuy vậy, vấn đề nào cũng có hai mặt và ngay trong số những người chỉ trích Facebook, không phải ai cũng nghĩ Australia đã có cách tiếp cận đúng đắn.

Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web, bày tỏ lo ngại rằng nếu ý tưởng buộc các mạng xã hội phải trả tiền cho việc chia sẻ đường link được áp dụng trên khắp thế giới, Internet có thể không còn hoạt động giống như hiện nay.

Theo ông, nguyên tắc trung lập trên Internet - rằng tất cả lưu lượng truy cập phải được đối xử bình đẳng và lưu thông tự do thay vì bị đánh thuế hoặc giảm tốc độ vì mục đích nào đó - cần được ưu tiên hơn tất cả các mối quan tâm khác.

Đồng quan điểm, có ý kiến cho rằng quy định của Australia sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một siêu cường truyền thông cũ - đế chế báo chí của Rupert Murdoch - chứ khó làm suy yếu sự thống trị của Facebook và Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Chiến thuật khác nhau

Cũng như Facebook, Google nhiều lần phàn nàn các quy tắc của Australia đi quà đà so với luật chia sẻ doanh thu mới ở khu vực châu Âu, vì các quy tắc này yêu cầu các nền tảng online phải trả tiền ngay cả với các đường link và đoạn trích của bài báo.

Hai hãng đã cùng nhau vận động chống lại dự luật và đều đe dọa sẽ chặn dịch vụ ở Australia. Tuy nhiên, Google chỉ dừng ở việc khuyến cáo và bước đầu ký kết thỏa thuận trước với một số hãng thông tấn báo chí. Còn Facebook đưa ra quyết định bất ngờ, thể hiện sự chia rẽ trong chiến thuật so với Google.

Facebook cho biết tin tức chỉ chiếm 4% những gì mọi người xem trên nền tảng của họ. Nhưng với người Australia, vai trò của Facebook trong việc cung cấp tin tức đang ngày càng tăng. Nghiên cứu của Đại học Canberra năm 2020 cho thấy, 21% người dân nước này sử dụng mạng xã hội làm nguồn tin chính và 39% dùng Facebook để nhận tin tức.

Quảng cáo trực tuyến mang lại hàng trăm tỷ USD doanh thu toàn cầu mỗi năm và hai ông lớn Google, Facebook chiếm hơn nửa thị trường này. Theo thống kê của cơ quan quản lý Australia, trung bình cứ 100 USD được chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến, Google chiếm 53 USD, Facebook chiếm 28 USD và những bên tham gia khác phải giành giật nhau vỏn vẹn 19 USD còn lại.

Từ năm 2019, khoảng 200 tòa soạn báo ở Australia phải cắt giảm, ngừng hoạt động hoặc đóng cửa do không thể cạnh trạnh được với các nền tảng mạng xã hội trong lĩnh vực quảng cáo.

Thỏa thuận chia sẻ doanh thu của Google với hai tập đoàn truyền thông lớn của Australia và Seven West Media và Nine Entertainment được cho là có giá trị 23 triệu USD mỗi năm, dù các điều khoản tài chính cụ thể không được tiết lộ.

Theo Rob Nicholls, Phó giáo sư tại Đại học New South Wales, số tiền này không thấm vào đâu so với doanh thu 180 tỷ USD của Google năm 2020, nhưng thực sự đáng kể với các nhà xuất bản truyền thông - những bên đang vật lộn tài chính trong nhiều năm qua vì sự trỗi dậy của các nền tảng mạng xã hội.

Các chuyên gia nhận định trên CNN, Google đang có bước đi đúng đắn và giành chiến thắng trong cuộc chiến. Cổ phiếu Facebook giảm 2% vào ngày 18/2.