Buôn bán với Trung Quốc, “trở tay không kịp”

(PLO) - Với 4,510km đường biên, thương mại biên giới nếu được khai thác tốt có thể trở thành “nồi cơm” của không ít địa phương tại Việt Nam; thế nhưng tiềm năng vẫn bị lãng phí mà nguyên nhân nhiều khi bởi chính những quy định mang tính “trói buộc” và thông tin thị trường yếu kém.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, đến năm 2012 kim ngạch nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới đạt 13,1 tỷ USD, tăng khoảng 27% so với năm 2008 và chiếm 5% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 9 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa biên giới duy trì mức tăng trưởng hơn 10%/năm. 
Hiện nay, trên cả ba tuyến biên giới Việt Nam có 28 khu kinh tế cửa khẩu thuộc địa bàn 21 tỉnh biên giới đất liền. Các khu kinh tế cửa khẩu của cả nước thu hút được gần 70 dự án FDI với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 700 triệu USD và khoảng 500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỷ đồng. Các khu kinh tế cửa khẩu đã trở thành trung tâm và động lực phát triển kinh tế, thương mại của vùng biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống dân cư và đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới.
Thế nhưng, tại Hội nghị giao ban công tác chỉ đạo thương mại biên giới do Bộ Công Thương tổ chức vừa qua, hàng loạt tồn tại, hạn chế vẫn được chỉ ra, mà nguyên nhân nhiều khi bởi chính những quy định mang tính “trói buộc”.
Đáng chú ý như ý kiến thẳng thắn của ông Đàm Văn Bông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Muốn tái xuất một mặt hàng nào đó, nếu không nằm trong danh mục các cửa khẩu quốc gia thì địa phương phải xin ý kiến của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan, rất nhiêu khê, mất thời gian, thời cơ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN). Tại Hà Giang mới rồi, một DN đã đổ đi cả một xe thịt trâu Ấn Độ 28 tấn, gây thiệt hại lớn.
Ông Bông đề xuất, với các lối mở, nên chăng phân cấp cho các địa phương? Có thể trao quyền tự chủ cho Chủ tịch UBND các tỉnh xuất, nhập một số mặt hàng được hay không? Theo vị này, việc phân cấp cho địa phương phát triển lối mở có thể tăng ngân sách địa phương, tạo điều kiện giúp địa phương tái đầu tư cho phát triển hạ tầng cửa khẩu. 
Cảnh giác
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị chú trọng hơn nữa cơ chế cung cấp thông tin cho DN trong nước, bởi lẽ thông tin về thị trường chúng ta luôn chậm so với bạn. “Hàng bạn tràn sang ta, đáp ứng sở thích của dân ta nhưng chúng ta chưa làm được điều này sang bạn. Hàng nào bạn cần, hàng nào bạn không cần, mẫu mã, chủng loại, thời điểm, chúng ta phải nắm được... chứ lâu nay, bạn thường thu mua một mặt hàng với số lượng lớn ồ ạt rồi “đùng cái” dừng lại ngay, chúng ta trở tay không kịp” – ông Bông nhận xét. 
Đơn cử, có thời điểm bạn mua phật thủ tới 300-500 nghìn đồng/quả, người Hà Giang chặt cam đi trồng phật thủ, rồi “đùng cái” bạn không thu mua nữa khiến nông dân khốn khổ vì phật thủ, ăn không được, cho cũng chẳng ai lấy. Thứ nữa, cần thông tin về sự thay đổi chính sách của phía bạn kịp thời. Đặc biệt, khi có những vấn đề “bất bình thường” trong thương mại thì chúng ta phải “mổ xẻ và đưa ra giải pháp tức thì”. 
Ngay thời điểm hiện tại,  thương lái Trung Quốc đang đổ xô thu mua những con lợn to từ 90kg trở lên, lợn mỡ..., nếu người chăn nuôi cứ “lao theo hướng này” thì khi bạn dừng mua đột ngột, ta bán cho ai? “Điều đáng nói là chúng ta thường không  phản ứng kịp thời, mà thường để hậu quả thiệt hại xảy ra rồi thì chúng ta mới đi tìm... giải pháp” – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang day dứt.
Cũng nắm được tình hình này, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Trưởng ban Chỉ đạo thương mại biên giới cho hay, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định 139/2009/QĐ-TTg ngày 23/12/2009  của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 254/2006  theo hướng phát huy được ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới; đồng thời Bộ tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục khai thác xây dựng các khu kinh tế qua biên giới trên cơ sở Biên bản thỏa thuận được ký kết giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc.
“Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam sẽ tăng cường thúc đẩy đàm phán với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định hoặc thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Đọc thêm