Buôn lậu 'tràn về' theo nước lũ Đồng bằng sông Cửu Long

(PLO) - Vấn nạn buôn lậu là trăn trở của các địa phương vùng biên khi tình trạng này xảy ra ngày càng phức tạp. Với Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi mùa lũ về, nước ngập trắng đồng ở biên giới Tây Nam cũng là thời điểm các đối tượng buôn lậu hoạt động mạnh nhất, bất kể ngày đêm.
Tận dụng nước lũ ngập trắng đồng, các đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu. Ảnh minh hoạ
Tận dụng nước lũ ngập trắng đồng, các đối tượng thực hiện hành vi buôn lậu. Ảnh minh hoạ

Lũ về, buôn lậu hoạt động mạnh mẽ

Tại các tuyến biên giới giáp Campuchia, vào mùa khô các đối tượng buôn lậu đi theo đường mòn, kênh rạch, có thể dự báo, theo dõi và mai phục; còn vào mùa lũ thì mênh mông biển nước, nơi đâu cũng có thể trở thành “địa bàn” để họ vận chuyển và giao nhận hàng lậu. 

Thời điểm này khi bước vào giữa mùa lũ, nước tràn đồng thì tình hình buôn lậu ở ĐBSCL lại càng diễn biến phức tạp. Tại An Giang, Đồng Tháp, Long An…, xuất hiện nhiều vỏ lãi chở thuốc lá lậu cả ngày lẫn đêm. Chỉ cần vượt qua biên giới, dân buôn lậu thu lời 5 - 7 triệu đồng/chuyến. Việc dễ dàng kiếm tiền nên ngày càng đông người tham gia và bất chấp đó là hành vi bị nhà nước nghiêm cấm. Thuốc lá và đường cát là hai mặt hàng “nóng” nhất được các đối tượng buôn lậu thường xuyên “nhắm” đến. Theo tìm hiểu, các mặt hàng này được đầu nậu mua tại kho hàng bên phía Campuchia rồi thuê người vận chuyển qua biên giới. Những người được thuê sẽ vác từng cục hàng đến điểm tập kết rồi vận chuyển bằng xe máy tiêu thụ.

Nhiều người dân xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, các đối tượng buôn lậu hoạt động thường xuyên, bất kể ngày đêm, sôi nổi nhất là từ 11 giờ – 14 giờ khi lực lượng chức năng nghỉ trưa. Tiếp đó, khoảng thời gian từ 19 giờ – 4 giờ sáng hôm sau cũng là thời điểm hoạt động mạnh vì họ lợi dụng trời tối, việc kiểm tra, truy bắt của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. “Trên các tuyến đường mòn, những người nào mà thồ một cục hàng lớn, vuông vuông phía sau xe máy chạy như ma đuổi thì y như rằng là các đối tượng buôn lậu đang vận chuyển thuốc lá lậu để tẩu tán”, một người dân cho biết.

Theo số liệu Công an xã Thường Thới Hậu B cung cấp, trong khoảng 6 tháng đầu năm 2017, có 44 vụ buôn lậu. Ngành chức năng đã thu giữ  trên 40.000 bao thuốc ngoại các loại; 1 tấn đường cát; tạm giữ 9 xe mô tô; 2 xuồng máy và 4 đối tượng tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới.

Tại An Giang, thời điểm này nhiều vỏ lãi chở đầy thuốc lá, đường cát Thái Lan từ khu vực gò Tà Mâu (Campuchia) đưa về tập kết tại các điểm trung chuyển thuộc Phường Vĩnh Ngươn (TP Châu Đốc) ngày càng nhiều. Lợi dụng mùa lũ, các nhóm buôn lậu càng manh động, liều lĩnh. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, họ sử dụng các xuồng nhỏ chờ sẵn lao ra cản đường để đồng bọn tẩu thoát. Không chỉ thế, đối tượng buôn lậu còn rất ranh ma khi cử người canh trước cửa các đơn vị chức năng phòng chống buôn lậu rồi thông báo cho người vận chuyển và đầu nậu. Ai vận chuyển mà bị bắt 1 lần thì sẽ nghỉ vận chuyển và chuyển sang làm nhiệm vụ canh đường (vì bị bắt lần đầu chỉ phạt hành chánh, lần thứ 2 có thể bị xử lý hình sự). Đặc biệt, các đầu nậu còn thuê những người bán cà phê, nước mía, bún... khu vực các ngã ba để canh đường và trả công rất “hậu hĩnh”. 

Theo ghi nhận của PLVN, các đối tượng buôn lậu đa phần là người địa phương, thông thạo địa bàn. Do ở khu vực biên giới, đất sản xuất nông nghiệp không nhiều và kém hiệu quả nên tham gia vận chuyển hàng lậu để thu lợi. Trung bình mỗi ngày, họ được các đầu nậu chia từ 300.000 - 500.000 đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây các đối tượng này đã đổi phương thức hoạt động. Ông H.V.A (người dân huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) làm nghề giăng lưới, thường xuyên đi làm ban đêm cho biết: “Gần đây, hầu hết đầu nậu chỉ đạo đàn em hoạt động vào ban đêm vì các lực lượng chức năng đang tăng cường chốt chặn ở một số điểm quan trọng. Họ điều khiển vỏ lãi nối đuôi nhau chạy dọc kênh Vĩnh Tế thuộc thị trấn Tịnh Biên rồi rẽ vào kênh Tư Mèo sang khu vực bãi tập kết ở bên kia biên giới thuộc xã Tà Lập để lấy hàng. Có khi các đối tượng hoạt động đến 4 – 5 giờ sáng”.

Vẫn nhiều bất cập trong phòng chống buôn lậu

Trước tình hình mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp, các địa phương đã tăng cường công tác phối hợp đấu tranh phòng chống buôn lậu. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho bà con... nhằm giảm bớt vấn nạn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại ngay trên cửa ngỏ biên giới. Kết quả, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý 32 vụ/2 đối tượng với tổng trị giá hàng hóa các loại gần 10 tỷ đồng.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trên tuyến biên giới, lực lượng hải quan, biên phòng, công an có kế hoạch độc lập kiểm tra hoặc phối hợp. Còn trên tuyến QL91 (từ Châu Đốc đi Long Xuyên) do Công an tỉnh An Giang và công an các địa phương lập kế hoạch, tổ chức theo dõi, quản lý đối tượng, tụ điểm trung chuyển, chứa chấp hàng lậu. Trong nội địa, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời buôn lậu… Tuy nhiên, công tác phối hợp chưa có sự chặt chẽ, dẫn đến việc phòng chống buôn lậu kém hiệu quả. Trong thời gian qua, một số địa phương vùng biên giới chưa có sự phân công, quy trách nhiệm cho các ngành rõ ràng, nên công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu chưa thống nhất và đồng bộ.

Vừa qua, Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017, đặc biệt lưu ý đến phòng chống buôn lậu thuốc lá. Vì từ đây đến cuối năm do nhu cầu tiêu dùng dịp lễ tết nên đây là thời điểm hoạt động mạnh mẽ của bọn buôn lậu. Trong đó bọn chúng sẽ tập trung vào các mặt hàng nổi cộm như  thuốc lá, đường cát, thực phẩm... Riêng mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, tình trạng buôn lậu còn gia tăng hơn khi còn một số hạn chế trong xử lý hình sự. Dự kiến đến năm 2018 mới áp dụng xử lý hình sự tội buôn lậu thuốc lá nên cuối năm 2017, các đối tượng buôn lậu “chớp” thời cơ để gia tăng cả về phương thức, quy mô hoạt động. Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu thì tình hình buôn lậu mặt hàng thuốc lá sẽ diễn biến rất phức tạp.

Để chủ động trước mọi diễn biến, Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang vừa yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, ý kiến chỉ đạo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017. 

Đọc thêm