Buồn thay những kẻ “đốt đền”!

(PLO) - Ngày 31/7 ở Sơn La và trước đó nữa, những chiếc còng thép cũng đã tra vào tay hai thầy giáo thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang trong một gian lận điểm gây chấn động dư luận. Và ngày 3/8, đến lượt Hòa Bình, hai thầy giáo, một chuyên viên phòng khảo thí của Sở GD&ĐT Hòa Bình và một là hiệu phó trường dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy cũng phải tra tay vào còng.
Hai cán bộ liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình

 Những hình ảnh liên tiếp như một trận lũ quét gây xót xa và hoang mang dư luận, bởi những người thầy ấy đã tự tay châm lửa “đốt đền”, ngôi đền linh thiêng của sự cao quý…

Câu hỏi dư luận đặt ra lúc này là liệu các tỉnh thành tự rà soát, kiểm tra có đáng tin cậy? Ngay cả ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, trước khi phát hiện ra tiêu cực động trời, các giám đốc Sở GD&ĐT đều mạnh miệng tuyên bố rằng đã tiến hành tổ chức kỳ thi rất nghiêm túc, khẳng định không có tiêu cực.

Sau khi hai cán bộ giáo dục của mình tra tay vào còng, ông Bùi Trọng Đắc - Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình nói lời xin lỗi rất gượng gạo trước báo giới. Tại sao cho đến nay, sau khi dư luận lên tiếng về điểm thi tốt nghiệp quá bất thường của 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động ở tỉnh Lạng Sơn, cả trong việc tổ chức thi rất đáng nghi ngờ, Bộ GD&ĐT không kiểm tra lại khâu tổ chức thi mà chỉ soi khâu chấm thi, rồi thôi? 

Nhìn lại những sự việc trước đây, những quan chức đầu tỉnh phút chốc thành tiến sĩ tây học, gọi là tây học nhưng học ở Việt Nam bằng tiếng Việt. Rồi những đề tài bảo vệ luận án xuất hiện với những nghiệm thu đánh giá kỳ lạ cho các đề tài kỳ lạ không kém. Dường như người lớn thành công, người lớn muốn con cháu của mình cũng thành công theo “con đường” mà mình từng đi.

Thế nên có một con số “người lớn” không nhỏ như thế đã khiến những người thầy gục ngã trước cám dỗ và có thể là cả sức ép trong những mối quan hệ nhằng nhịt tại địa phương. 

“Chuyện bất công khi những cháu học yếu tranh chỗ của các cháu học thật thi thật khi vào trường đại học ai cũng biết. Nhưng bất công lớn hơn cả là cả dân tộc phải chịu hậu quả khi những cháu ăn gian điểm sau khi ra trường, có bố mẹ quyền thế, tiền bạc sẽ tiếp tục ăn gian, tranh chỗ làm việc, tranh ghế lãnh đạo  và rồi đất nước sẽ đi về đâu? Nên chăng bên cạnh chuyện điều tra gian lận thi cử năm nay, các trường đại học cần khẩn cấp đánh giá sinh viên, chấm nghiêm và chuẩn đầu ra, xóa bỏ quan niệm vào được đại học là chắc chắn tốt nghiệp”, nhà viết kịch Lê Quý Hiền bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang đánh giá việc vi phạm này là một sự cố ý, lạm dụng để thực hiện vi phạm pháp luật. Hiện nay, khi đã phát hiện có những lỗ hổng nhất định thì cần thực hiện các phương án mới, tiếp tục đấu tranh phòng ngừa, tăng cường kỉ luật kỉ cương.

Còn GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng chia sẻ: “Về kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức tại địa phương, không thể nói là không tin Sở GD&ĐT, tuy nhiên tôi thấy vẫn cần sự tham gia của trường đại học. Tuyệt đối không để thí sinh đặc biệt, tất cả thí sinh dự thi phải được trộn lẫn danh sách đảm bảo đúng quy chế. Tiếp đó với những lỗ hổng trong bài thi cũng cần sửa đổi, để khi chấm thi giám thị không biết bài thi của thí sinh nào”.

Đọc thêm