Buồn tủi nghề "hưởng lộc" từ người đã chết

Quanh năm phải đối mặt với tử khí bốc lên ngùn ngụt từ hàng ngàn ngôi mộ, nhưng đối với phu đào là chuyện thường. Với họ đó là một cái nghề tự hào “cha truyền con nối”. Điều quan trọng sau khi chăm sóc cho người quá cố xong, nhận được một khoảng tiền công xứng đáng là họ mãn nguyện...

Quanh năm phải đối mặt với tử khí bốc lên ngùn ngụt từ hàng ngàn ngôi mộ, nhưng đối với phu đào là chuyện thường. Với họ đó là một cái nghề tự hào “cha truyền con nối”. Điều quan trọng sau khi chăm sóc cho người quá cố xong, nhận được một khoảng tiền công xứng đáng là họ mãn nguyện.

Nỗi đau của nghề
    
Nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức, TP.HCM là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người quá cố. Dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa, cộng với mùi hương khói từ các ngôi mộ có người thân đi viếng bay ra làm cho không khí càng thêm nóng nực. Phút chốc đâu đó tiếng khóc thút thít của người thân bên những phần mộ mới chôn cứ phát ra làm những người mới tới nghĩa trang phải sởn da gà.

Quét dọn sạch sẽ mộ khi có người thân đến thăm...
Quét dọn sạch sẽ mộ khi có người thân đến thăm...

Sau một buổi đào đất và xây khung sẵn các huyệt để chuẩn bị sẵn sàng chỗ yên nghỉ cho những người quá cố.

Các phu đào ngồi dưới các tán cây che mát trong nghĩa trang, họ ngồi quây quần hoài niệm về cái nghề hưởng lộc của người chết như xé toạch không gian tĩnh lặng của cõi u minh.

Những phu đào ở đây đủ mọi lứa tuổi, có những người làm lâu năm như ông sáu Trung, anh Út. Quệch đi những giọt mồ hôi và rít dài một hơi thuốc, ông sáu Trung tâm sự: “Cái nghề này đã gắn bó với tôi đã gần 30 năm. Hồi tôi thành danh thì thằng Gừng (cũng là phu đào ở đây) mới ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Thời gian nhanh thật, giờ nó cũng đã trở thành một phu đào mộ có bàn tay chai sần, chân tay nổi đầy gân guốc…”.

Uống cạn ly rượu ông nói tiếp: “Mấy chú ăn đi đừng ngại, lai rai đi. Măng nấu với thịt heo ba chỉ ngon lắm, măng này chúng tôi trồng trong nghĩa trang này đó. Còn trái cây là mình hưởng “lộc” của người chết sau nén nhang đã tàn…”.

Thế rồi những câu chuyện buồn vui cứ chuyền tay theo ly rượu, phút chốc họ lại trải lòng về công việc của mình và cứ lặp lại câu nói “mong người đời trân trọng gọi phu đào mộ cũng là một cái nghề”.

Nhiều lúc họ mặc cảm tủi thân vì xã hội thoảng nhìn vào có vẻ rùng mình và thiếu thiện cảm với họ. “Nhiều người gọi tụi tôi là cô hồn sống, chỉ biết bám víu vào người chết để sinh tồn. Nhưng nếu không có tụi tôi thì ai chăm sóc cho người quá cố. Đây cũng là một cái nghề mà đúng không mấy chú?, ông Trung cay đắng nói.

Ông Trung vừa dứt lời thì phu đào Út nói tiếp: “Hằng ngày những ngôi mộ có người thân đến viếng thì chúng tôi chia nhau ra để dọn dẹp vệ sinh, xách nước rửa mộ thật sạch rồi xin họ một ít tiền lẻ. Còn tối đến thì phải chia ra ngủ để canh chừng mấy ông nghiện ma túy vào hút chích và ăn cắp đồ. Chúng tôi nghĩ đây là nghề phước đức chứ có phải là “cô hồn sống” bám víu đâu?”.

Bữa cơm trưa toàn đồ ăn hưởng lộc của người chết.
Bữa cơm trưa toàn đồ ăn hưởng lộc của người chết.

Luật của nghề

Những người làm việc ở đây đều có cuộc sống khó khăn, thu nhập không được ổn định. Anh Út chia sẻ: “Cha mẹ đã lớn tuổi, con cái còn nhỏ, công việc của vợ cũng rất bấp bệnh. Ngày trước đi làm khắp nơi nhưng có lẽ số phận đưa đẩy nên quay về nối tiếp cái nghề cha truyền này…”.

Nghĩa trang Gò Dưa chia thành 10 khu chăm sóc mộ, người thân vào thăm người quá cố khu vực nào thì phu đào ở khu đó hưởng “lộc”. Họ chia ra qui luật rõ ràng. Luật ở đây không phải luật giang hồ mà là qui luật “giúp đỡ nương tựa lẫn nhau”.

“Thủ lĩnh nghĩa trang là anh Riêng. Người đứng ra sắp xếp sao cho công bằng không bị thiệt thòi, nên anh em rất yên tâm”, anh Út cho biết.

Cuộc nhậu đã tàn, cơn mưa chiều Sòn Gòn cũng bắt đầu đổ, chia tay chúng tôi phu  Sứt nói: “Miếng cơm manh áo của anh em phụ thuộc vào nghĩa trang này. Có lẽ nghề phu đào mộ đã chọn chúng tôi, nên bằng lương tâm chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt công việc hơn nữa để xóa đi thương hiệu cay đắng mà người đời trao tặng là “cô hồn sống”.

Thọ Lang
 

Đọc thêm