Buông lỏng và hậu họa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có lẽ câu chuyện về “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19 đã và đang trở thành “đề tài” được quan tâm số 1 hiện nay.
Buông lỏng và hậu họa

Từ lo ngại đến sự thật “bất lương” được phơi bày khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và Giám đốc CDC Hải Dương. Khi mà nhân dân cả nước đang lao đao, khốn khó vì dịch bệnh lại còn có những đối tượng nâng khống giá để trục lợi, sau đó cùng ăn chia với nhau, thật khó gọi bằng từ ngữ gì cho đích đáng.

Liên quan đến vụ việc trên, rất nhiều tỉnh, thành đã bị mua kit test COVID-19 với cái giá “trên trời”, thậm chí 400.000 - 500.000 đồng/kit. Trong khi đó, giá thực kit test COVID-19 thấp hơn nhiều. Với việc “thổi giá” như vậy, tất cả chi phí lại đổ dồn vào đầu người bệnh. Người bệnh đã khốn khó rồi, bây giờ lại thêm việc giá cả leo thang thì càng khó khăn hơn.

Lợi dụng chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh để trục lợi lâu nay luôn là “tình tiết tăng nặng” trong lượng hình khi xét xử. Tăng nặng là đúng, bởi đó là những hành vi mất “nhân tính”. Vụ việc đang được điều tra, điều tra mở rộng, nhưng phải nói rằng, trong bối cảnh cả nước đang vật lộn với đại dịch mà lại tăng giá thiết bị, vật tư y tế để làm giàu, càng phải xử lý nghiêm khắc.

Việc cơ quan báo chí đưa tin nơi sản xuất 30 nghìn kit xét nghiệm trong một ngày của Công ty Việt Á giống như kho của hợp tác xã. WHO không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung nhưng theo chuẩn Việt Nam lại phù hợp. Vậy chất lượng thực tế của kit xét nghiệm này như thế nào, có đáp ứng yêu cầu chuyên môn hay không khi gần như cả nước sử dụng đại trà kit do công ty này sản xuất?

Ngay từ khi bắt đầu công tác phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần nhắc nhở về công tác thanh tra, kiểm tra không để xảy ra tiêu cực, nhưng gần như vấn đề này không được quan tâm. Rõ ràng, để xảy ra câu chuyện đau lòng về giá kit, có nguyên nhân buông lỏng của công tác thanh tra. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương.

Đáng chú ý, lãnh đạo CDC TP Hồ Chí Minh khi trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, thời gian đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, đơn vị có nhận được lời chào giá từ Công ty Việt Á nhưng do giá thành cao, đơn vị này đã bị loại từ thời gian đầu. Chắc chắn, dấu hiệu “lợi ích nhóm” thể hiện ngay từ đầu nhưng không ai quan tâm.

Không chỉ giá kit, cử tri cả nước đang rất quan tâm và bức xúc nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19. Tại TP Hồ Chí Minh có hàng ngàn người F0 điều trị tại nhà nhưng không được giải quyết chế độ bảo hiểm. Báo chí còn phản ánh tại Bình Dương có việc người lao động phải bỏ tiền túi ra để nộp tiền xét nghiệm COVID-19, có người phải nộp 4,5 triệu đồng, gần hết lương cả tháng.

Câu chuyện giá kit càng cho thấy buông lỏng quản lý là hậu họa.

Đọc thêm