Bưu điện huyện Đan Phượng: “Đuổi người” nhưng giữ lại tài sản

Với thỏa thuận làm việc “không công” cán bộ điểm Bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã đầu tư nhiều tiền bạc nâng cấp trụ sở để vừa làm việc, vừa sinh hoạt nhưng nay người thì bị đuổi còn tài sản thì không được bồi thường.

Với thỏa thuận làm việc “không công” cán bộ điểm Bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã đầu tư nhiều tiền bạc nâng cấp trụ sở để vừa làm việc, vừa sinh hoạt nhưng nay người thì bị đuổi còn tài sản thì không được bồi thường.

Sau 12 năm công tại Điểm bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ, chị Phan Thị Hằng bị đình chỉ và chấm dứt theo thông báo của đơn vị chủ quản là Bưu điện Trung tâm 8 (Bưu điện Hà Nội).

Qua tìm hiểu, chị Hằng làm việc tại đây từ năm 1999, khi mà ngành bưu chính viễn thông thiết lập điểm Bưu điện văn hóa tại xã Thượng Mỗ. Ông Nguyễn Duy Trung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thời điểm này, anh Phan Văn Nam (em trai chị Hằng) được giới thiệu làm việc tại điểm bưu điện này. Tuy nhiên, anh Nam đã ủy quyền cho chi Hằng làm thay khi vắng mặt.

Quá trình làm việc tại đây, chị Hằng đã được đào tạo chuyên môn và quyết định gắn bó với ngành bưu điện, với các công việc thu cước điện thoại, bán thẻ cào, sim điện thoại… Bưu điện  huyện Đan Phượng, đơn vị thuộc Bưu điện trung tâm 8 đã ký hợp đồng làm việc với chị Hằng và gần đây nhất là hợp đồng cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, ký ngày 10/3/2010. Theo hợp đồng này, chị Hằng phục vụ “không công”, nguồn thu chủ yếu của chị là hoa hồng thu cước điện thoại và tiền bán thẻ cào.

Nhưng ngày 23/2/2012, chị Hằng nhận được thông báo của Bưu điện Đan Phượng chấm dứt hợp đồng làm việc theo yêu cầu của Bưu điện trung tâm 8, đồng thời tạm dừng hoạt động của Điểm bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ. Với sự việc đột ngột và không có lý do rõ ràng, chị Hằng khiếu nại và được Bưu điện trung tâm 8 thông báo việc “chọn người” làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã là do UBND xã giới thiệu. Vì thế, khi UBND xã Thượng Mỗ đề nghị thay nhân viên thì Bưu điện trung tâm 8 buộc phải thay.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Duy Trung giải thích về lý do thay cán bộ điểm bưu điện văn hóa xã là do “cử tri” trong thôn Đại Phú đề nghị, vì chị Hằng và có những lý do cá nhân và gia đình khiến người dân “mất lòng tin”.

Ông Trung cũng cho biết, UBND xã cũng được Bưu điện Đan Phượng đề nghị cho ý kiến về việc chọn chị Nguyễn Thị Tuyến (SN 1990, con gái của ông Nguyễn Văn Phú cán bộ Đảng ủy xã) thay thế cho chị Hằng và UBND xã đồng ý. Trước thông tin cho rằng, việc Bưu điện trung tâm 8 chấm dứt hợp đồng với chị Hằng vì có liên quan đến người mới thay là con gái của một cán bộ xã, ông Trung khẳng định, UBND xã không quyết định được việc chọn ai thay thế chị Hằng mà điều này do ngành Bưu điện làm, bằng chứng là Bưu điện huyện Đan Phượng có công văn đề xuất chị Tuyến.

Thế nhưng, bà Trần Thị Minh Hạnh, Giám đốc Bưu điện trung tâm 8 lại khẳng định, xã giới thiệu ai thì bưu điện ký hợp đồng với người đó. Được biết, hiện Bưu điện trung tâm 8 đã ký hợp đồng với chị Tuyến, chấm dứt hoàn toàn sự nghiệp của chị Hằng tại Điểm bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ. Đằng sau sự “đùn đẩy” trách nhiệm chọn người này là gì?

Chị Hằng bị “đuổi” khỏi Điểm bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ vì một cớ chứa đựng nhiều ẩn tình. Hơn nữa, đơn vị chấm dứt hợp đồng với chị Hằng cũng lờ việc trả lại tài sản mà chị đã đầu tư, cải tạo tại điểm bưu điện trong thời gian làm việc tại đây. Được biết, Bưu điện Đan Phượng đồng ý để chị Hằng đầu tư hàng chục triệu đồng để cải tạo trụ sở Bưu điện văn hóa xã Thượng Mỗ để vừa sinh hoạt, vừa thực hiện công việc được giao. Hiện tài sản và các đồ dùng của gia đình chị vẫn chưa được trả lại khiến gia đình chị bị thiệt hại nặng nề.            

Có thể khởi kiện vụ án dân sự

Việc nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã bị “đuổi việc” như trên sẽ được pháp luật phân xử như thế nào, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Quý Chuyên về vấn đề này.

Thưa Luật sư, trường hợp nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã cho rằng bị chấm dứt hợp đồng không đúng pháp luật thì có thể yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình không?

Căn cứ hợp đồng mà hai bên ký kết thì có thể thấy, đây không phải là hợp đồng lao động mà là một hợp đồng dân sự. Việc chấm dứt hợp đồng phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng. Tôi thấy, việc chấm dứt hợp đồng vì ý chí của bên thứ 3 (UBND xã) là không thuyết phục. Trường hợp này, chị Hằng có thể khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ nếu thấy rằng, việc chấm dứt hợp đồng làm thiệt hại đến quyền lợi vật chất và tinh thần của chị.

Đối với tài sản mà chị Hằng đã cải tạo, xây dựng tại điểm bưu điện văn hóa xã, đơn vị chủ quản có phải bồi thường khi chấm dứt hợp đồng không, thưa ông?

Nếu việc cải tạo, sửa chữa có sự đồng ý của chủ sở hữu thì việc cải tạo này sẽ làm gia tăng giá trị cho tài sản. Vì thế, khi chấm dứt hợp đồng, hai bên phải thỏa thuận giải quyết cả vấn đề tài sản. Việc bưu điện tự ý chấm dứt hợp đồng và không bàn về quyền lợi, tài sản của người lao động là xâm phạm đến quyền của họ. Như vậy, sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường theo luật dân sự.

Theo ông, trường hợp này phải giải quyết như thế nào mới đúng pháp luật và đạo lý?

Quan hệ hợp đồng xuất phát từ sự tự nguyện và thiện chí của cả hai bên. Nếu không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại, đó là một quy tắc quan trọng trong quan hệ dân sự. Dù xuất phát từ ý chí của mình hay đề nghị của UBND xã, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị Hằng cũng là không thỏa đáng. Do đó, đơn vị chủ quản của điểm bưu điện văn hóa xã cần phải xem xét, giải quyết quyền lợi của chị Hằng một cách đầy đủ để tránh hai bên phải giải quyết vụ việc tại tòa.   Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Đọc thêm