CA huyện Gia Lâm "ngâm" kết quả xác minh đơn tố giác tội phạm?

Mặc dầu nhận đơn của tố giác tội phạm từ tháng 1/2013 đến nay nhưng CA huyện Gia Lâm vẫn chưa hề có thông báo trả lời kết quả giải quyết khiến đương sự rất bức xúc.

Mặc dầu nhận đơn của tố giác tội phạm từ tháng 1/2013 đến nay nhưng CA huyện Gia Lâm vẫn chưa hề có thông báo trả lời kết quả giải quyết khiến đương sự rất bức xúc.

Một xe bán cho nhiều người

Anh Nguyễn Đức Hạnh trú xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, Hà Nội phản ánh đến báo Pháp luật Việt Nam sự việc: Ngày 7/7/2012, anh Nguyễn Bá Phong (Quang Trung, Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội) mượn của anh chiếc xe máy biển kiểm soát 29N-136.24. Đây là chiếc xe do anh mua lại của anh Nguyễn Văn Khương để kinh doanh dịch vụ cho thuê xe.

Việc mượn có làm bằng văn bản và anh Phong cam kết mượn để làm phương tiện đi lại, sau một tháng sẽ hoàn trả. Thế nhưng, hết hạn mượn xe, Phong không đem trả mà lại đưa xe cho chủ cũ của xe là anh Nguyễn Văn Khương để anh này bán. Khương đã bán cho ông Lê Long tại Linh Quy, Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội.

Ngày 14/8/2012, Nguyễn Bá Phong bán cho anh Hạnh một chiếc xe máy khác, biển kiểm soát 29N1-113.54, có đăng ký mang tên Nguyễn Trương Mười (Gia Lâm, Hà Nội). Tìm hiểu, anh Hạnh được biết, trước khi bán cho anh chiếc xe này, Nguyễn Trương Mười đã bán cho ông Lê Long. Sau đó, bằng thủ đoạn mượn lại xe, Phong và Mười đã có được xe trong tay và đem bán lại cho anh Hạnh.

Sau này, ông Hạnh được biết, sở dĩ  các đối tượng bán xe trót lọt là vì đã có hai đăng ký xe khác nhau của cùng một chiếc xe. Đăng ký xe do CA huyện Gia Lâm cấp, cùng một người, một xe nhưng ngày tháng cấp khác nhau.

Chiếc xe được bán cho hai người vì có hai đăng ký khác nhau

Yêu cầu rút đơn để được bồi thường?

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên anh Hạnh đã có đơn tố giác tội phạm gửi tới CA huyện Gia Lâm và được cơ quan này tiếp nhận đơn từ tháng 1/2013. Thế nhưng, theo anh Hạnh, cơ quan này đã không giải quyết khách quan, thậm chí có lúc đã yêu cầu ông rút đơn để nhận bồi thường.

“Hành vi của các đối tượng trên là hết sức nguy hiểm, có sự bàn bạc, che dấu cho nhau để chiếm đoạt tiền của nhiều người. Đây là một thủ đoạn mới nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, cần phải được xử lý theo luật pháp, tại sao điều tra viên lại đề nghị tôi rút đơn?”- anh Hạnh băn khoăn.

Mặc dầu nhận đơn của anh Hạnh từ tháng 1/2013 đến nay nhưng CA huyện Gia Lâm vẫn chưa hề có thông báo trả lời kết quả giải quyết khiến đương sự rất bức xúc.

Về điều này, luật sư Nguyễn Đình Khỏe, Trưởng Văn phòng luật Tràng Thi nhận định: “Trường hợp này đã kéo dài gần 9 tháng mà chưa hề có thông báo kết quả giải quyết là vi phạm tố tụng bởi theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng. Nếu không khởi tố thì phải ra thông báo cho đương sự biết”.

Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Trưởng CA huyện Gia Lâm kiểm tra phản ánh nêu trên, làm rõ vì sao hết thời hạn vẫn chưa có trả lời cho đương sự biết kết quả kiểm tra, xác minh đơn tố giác tội phạm?.

P.V.

Đọc thêm