Cả làng khúm núm sợ cây thị hai nhánh gần 500 tuổi

(PLO) - Sau câu chuyện ông trưởng thôn Trần Văn Đổi phát bệnh vì "dám ra lệnh" chặt cành cây thị cổ thụ ở đầu thôn Hòa Trung 1 (xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), cả làng khúm núm, sợ sệt mỗi khi đi qua. Câu chuyện chấn động cả xã, lan truyền tới huyện. 
Cây thị cổ thụ chia thành hai nhánh.
Quan sát thấy, cây thị cổ thụ thôn Hòa Trung 1 cao đến 30m và phải đến 5 người ôm thì mới bao trọn hai nhánh cây. Nhìn vào vẻ đồ sộ uy nghi của cổ thụ thì có thể thấy tuổi đời đã đến hàng trăm năm. Bề ngoài vỏ thị đen xù xì, bên trong gốc nhiều chỗ đã bị rỗng ruột sau hàng thế kỉ. Dường như chỉ còn phần vỏ nhưng cây thị khá xanh tốt, mùa hè nắng chẳng thể xuyên qua, trong khi mùa mưa lại như chiếc ô khổng lồ cho người đi đường. 
Quanh gốc cây là một mô đất cao mà cách đây vài năm người dân vun đắp cho cổ thụ. Trên thân cây là chiếc lư hương của người dân dùng thắp hương vào mỗi tối. Một vài cành cây to gần bằng thân người cạnh đường dây điện quả thật bị cắt bỏ đảm bảo an toàn.
Ông Đổi đến nay vẫn đang là trưởng thôn, nhắc đến chuyện mình bị “cây thị trách phạt”, ông bật cười rồi bộc bạch: “Chiều trước ngày tôi đi tham gia kéo điện thì có tra cán cuốc, trong lúc bất cẩn bị cán cuốc đập vào đầu, không sưng nhưng đau đớn. Hôm đó công việc đến chỗ cây thị thì gặp trở ngại, vì anh em không ai dám làm. Tôi nói là làm phục vụ cho dân chứ cắt phá gì đâu. 
Ông thợ cưa cầm máy cưa lên lẩm bẩm: “Có gì ông trưởng thôn chịu chứ tôi không biết, ổng bảo tôi cắt thì tôi cắt”. Vì vết thương ở đầu mà hai hôm sau, tôi đang ở nhà bị huyết áp cao, ngất tại chỗ. Gia đình đưa vào TP.Quy Nhơn cấp cứu. Tuy nhiên người dân lại cho rằng do tôi thất kính với cây thị nên mới bị người khuất mặt “hành” như vậy”.
Sau 5 lần chụp MRI, bác sĩ mới xác định được ông Đổi bị tụ máu não. Bác sĩ quyết định phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ. Thế nhưng sau đó ông Đổi thấy một người nằm viện cùng phòng sau khi phẫu thuật hộp sọ đã có nhiều dấu hiệu thần trí bất ổn. Quá hốt hoảng, khoảng 1h sáng ông Đổi trốn vợ bỏ đi khỏi phòng bệnh, tìm đường trốn ra ngoài. Tìm đủ mọi cách nhưng không xin ra ngoài được, mãi tới rạng sáng ông Đổi mới có thể trèo rào, trốn ra khỏi bệnh viện. Chuyện này được người dân đồn đại là do “bà” sai khiến, đêm hôm bắt ông Đổi phải mò về nhà.
 Ông Đổi trưởng thôn.
Kể về chuyện mình khỏi bệnh là do chị gái khấn cầu “bà” tha thứ, ông trưởng thôn tâm sự: “Tôi bị đau là do bất cẩn để cán cuốc đập vào đầu, làm tụ máu não, sau này tăng huyết áp. Gia đình tôi có mình tôi là con trai nên chị gái quá lo lắng nhưng lại không biết rõ sự tình nên cầu cứu đến thầy bói. Kì thực sau khi xuất viện, tôi về nhà điều trị bằng thuốc tây một thời gian. Sau đó uống thuốc nam từ trái bưởi một tháng nữa thì mới bớt. Đến nay sức khỏe tôi đã cơ bản bình phục trở lại, huyết áp đã bình thường”.
Dù bác bỏ chuyện mình bị “cây thị trừng phạt” nhưng ông Đổi cũng tin rằng cây cổ thụ khá linh thiêng. Ông Đổi phân trần: “Từ khi còn bé tôi đã nghe ông bà kể về chuyện người Tàu dùng đồng nam đồng nữ trấn yểm vàng, về sau mới có chuyện “thị ông thị bà”. Nghe thì nghe vậy chứ không biết thực hư ra sao. Bản thân tôi tin rằng cây thị này là cây thị thiêng, cây thị lành. Đến nay mấy chục người từng bị té trên cây xuống nhưng chưa có ai bị làm sao. Còn về tuổi đời cây thì chẳng thể biết được, chỉ biết cả trăm năm nay cây cứ một chừng, không thay đổi gì”.
Với tuổi đời hàng trăm năm, cây thị cổ thụ đã gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hòa Trung 1. Những câu chuyện lưu truyền còn có nhiều nét li kì chưa thể lý giải nhưng qua đó phần nào phản ánh khát vọng chinh phục, tìm hiểu thiên nhiên, lịch sử vùng đất. Khoác cho cây cổ thụ chiếc áo thần bí, dân làng muốn bảo vệ cây thị trước những tác động của bàn tay con người bởi họ xem cây đại thụ như một nhân chứng sống, một niềm tự hào của thôn làng. Nguyện vọng của bà con trong thôn là nhà nước quan tâm hỗ trợ để chăm sóc, bảo vệ cây thị. Xây dựng khung cảnh quanh cây thị để làm nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao cho bà con nhân dân, giúp tăng thêm tình làng nghĩa xóm, gắn kết dân.

Đọc thêm