Theo Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau, tổng kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình MTQG năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) của tỉnh được phân bổ trên 937 tỷ đồng. Trong đó, cao nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với hơn 748 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 119,6 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 5/2024, tỷ lệ giải ngân của 3 Chương trình MTQG này mới chỉ đạt 7,7% tương đương gần 72 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân 9,2% kế hoạch; Chương trình giảm nghèo giải ngân 1,13% và đạt chỉ 2% chương trình cho đồng bào dân tộc.
Các công trình lộ giao thông nông thôn mở rộng đang gặp khó do vướng vận động vốn đối ứng đóng góp của người dân. (Ảnh minh họa) |
Ông Trần Công Khanh cho biết thêm: “Kế hoạch vốn của các chương trình MTQG năm 2024 chiếm hơn 20% tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh. Tỷ lệ giải ngân 3 chương trình thấp sẽ kéo theo tỷ lệ giải ngân đầu tư công chung của tỉnh thấp xuống. Mặc dù, trong 4 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân của Cà Mau có cao hơn bình quân của chung cả nước nhưng không nhiều”.
Theo ghi nhận thực tế từ các địa phương, ngoài một số nguyên nhân khách quan, đa phần các đơn vị đều vướng cơ chế trong thực hiện. Trong đó, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thực hiện Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Cụ thể: “Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 65% tổng mức đầu tư/một dự án, phần còn lại do người dân đóng góp và nguồn vốn huy động hợp pháp khác”.
Theo ông Huỳnh Hùng Em - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước: “Về vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới hiện nay huyện cơ bản đã phân bổ cho các xã. Tuy nhiên, vẫn chưa giải ngân được, chủ yếu là vướng Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Còn các tuyến đường trên địa bàn huyện cơ bản đã đáp ứng, khi nâng cấp mở rộng thì người dân đồng tình không cao...".
Còn đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương cho rằng, theo Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 10/10/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ tối đa 55% từ ngân sách nhà nước cho 1 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân phải đối ứng 45% tổng chi phí 1 dự án là quá cao, khó thực hiện được.
Đối với dự án 1 Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc, qua khảo sát thực tế việc hỗ trợ nước sinh hoạt 3 triệu đồng/hộ là thấp và khó thực hiện vì những hộ thiếu nước sinh hoạt hầu hết ở những nơi không có hệ thống cấp nước công cộng tập trung, phải thực hiện khoan giếng nước. |
Riêng Chương trình MTQG cho đồng bào dân tộc, ông Kiều Minh Tiếng - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho hay: “Đối với dự án 1 Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc, qua khảo sát thực tế việc hỗ trợ nước sinh hoạt 3 triệu đồng/hộ là thấp và khó thực hiện vì những hộ thiếu nước sinh hoạt hầu hết ở những nơi không có hệ thống cấp nước công cộng tập trung, phải thực hiện khoan giếng nước".
Ông Trần Công Khanh - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau chia sẻ: “Thời gian tới, đối với kỳ trung hạn năm 2021-2025, 4 năm qua vốn chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giao tổng số 54% tổng kế hoạch vốn, như vậy năm 2025 giao còn lại 46% (gần bằng 4 năm thực hiện). Đối với vốn của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững hiện mới giao 65%, năm cuối giao 35% phần trăm. Như thế có thể thấy nhiệm vụ của năm 2025 sẽ tiếp tục nặng nề khi trung ương giao đủ vốn trung hạn, trong khi năm 2024 tốc độ giải ngân đang chậm”.
“Năm 2025 sẽ bắt tay vào xây dựng kỳ trung hạn của năm 2026-2030. Theo thông tin được biết, Bộ LĐTB&HX đang yêu cầu xây dựng chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2026 - 2030. Đối với chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Quốc hội đang dự kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư, được biết 10 dự án thành phần dự kiến điều chỉnh 7 - 8 dự án, nếu chúng ta triển khai chậm sẽ gặp nhiều khó khăn do có sự thay đổi” - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết thêm.