Cà Mau hoàn thành tích hợp Phần mềm và vận hành hai nhóm dịch vụ công thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tỉnh Cà Mau là địa phương thứ 6 của cả nước hoàn thành tích hợp Phần mềm và vận hành 2 nhóm dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06: Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí. Kết quả, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 100%.

Năm 2023, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều mục tiêu quan trọng trong chuyển đổi số, với chủ đề “Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh”. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Danh mục 26 cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh và 86 tập dữ liệu mở thuộc 14 lĩnh vực quản lý của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Để đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền và giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh đã thực hiện kết nối, khai thác 20/24 dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng số, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh ứng dụng số, góp phần thúc đẩy kinh tế số.

Qua đó, tỉnh Cà Mau đã thực hiện kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến (EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Việc kết nối đầy đủ, toàn diện, liên tục với Hệ thống EMC giúp cho Lãnh đạo tỉnh có thêm một góc nhìn chính xác, khách quan, minh bạch về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của sở, ngành, địa phương, qua đó giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hiệu quả hơn.

Với việc thu nhận 766.128 tài khoản ĐDĐT cho trên 1.118.560 công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh; trong đó có 27.187 cán bộ, công chức, viên chức có tài khoản ĐDĐT mức độ 2 (đạt 100%), Cà Mau đã cùng với 62 tỉnh, thành trên cả nước về đích chỉ tiêu cấp ĐDĐT do Chính phủ giao. Tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện trong thời gian tới, phấn đấu mỗi người dân đều trở thành một công dân số trong nền kinh tế số.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ 2 bên phải sang), tham quan gian hàng trưng bày Chuyển đổi số của Viettel Cà Mau.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ 2 bên phải sang), tham quan gian hàng trưng bày Chuyển đổi số của Viettel Cà Mau.

Năm 2024 được xác định là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Để đạt mục tiêu chuyển đổi số năm 2024, ông Huỳnh Quốc Việt - Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đồng bộ trong cả hệ thống chính trị theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy mạnh việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số; thực hiện số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở; cùng với đó là đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống đã và đang triển khai; Tập trung thúc đẩy các nền tảng số quốc gia làm động lực phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tăng cường kết nối, khả năng tương tác và sử dụng thành thạo kỹ năng số của người dân để hình thành công dân số là nền tảng phát triển xã hội số”.

“Các doanh nghiệp công nghệ số tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến...”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh triển khai nhiệm vụ kịp thời ở địa phương. Trong đó, riêng về kinh tế số Tỷ lệ doanh nghiệp SMEs tiếp cận nền tảng chuyển đổi số đạt 60%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 9%; Tỷ trọng kinh tế số đạt 9% GRDP; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%; Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 6%.

Đọc thêm