Đó là những thủ khoa của các trường sư phạm, quân đội, công an. Các em đến trường nhập học với đầy vẻ tự tin khi là thủ khoa đến từ miền núi. Nhưng sự thật điểm số của các em lại do bàn tay “đi đêm” của cha mẹ tới các thầy cô có quyền lực nâng điểm. Số tiền "lo lót", theo Cơ quan CSĐT lên đến hàng trăm triệu đồng.
Câu chuyện nữ sinh đến từ Hòa Bình là một ví dụ cho việc sự giả dối đã che đậy trong sự hoàn mỹ khi mà nữ sinh này còn được vinh danh tại trường.
Nữ sinh có tên là T.P.T. đến từ Hòa Bình là thủ khoa toàn trường cũng như thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2018 với 27,75 điểm.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai phạm chấn động về việc sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018, điểm của thí sinh T.P.T. được chấm lại. Điểm thật của T. là Sử 5.75 điểm, Địa lý 7 điểm, Ngữ văn 8.75 điểm, Toán 4 điểm, Tiếng Anh 3.4 điểm. Như vậy, điểm thi của T.P.T. được nâng lên tới 14.85 điểm.
Em nói rằng, ở thời điểm ôn thi, nhiều đêm đã thức muộn đến 3h sáng. “Thức như vậy, sáng dậy kể cũng mệt nhưng khi được bù lại những bài thi đạt điểm cao thì em cảm thấy công sức được đền đáp”. T.P.T khẳng định điểm trúng tuyển là điểm thật do bản thân mình tự đạt được chứ không hề có sự tác động nào.
Cũng có thể nữ sinh này không biết trò ma cô của cha mẹ mình trong việc hối lộ để có điểm cao cho con và cô cứ nghĩ thật thà là “điểm đó là nỗ lực của mình”, hoặc cô biết trò gian manh đó nhưng giả vờ “làm màu” cho thấy mình thật xứng đáng.
Khi nhìn vào danh sách “con ông cháu cha” của tỉnh Sơn La mới thấy việc thi cử đã bị lũng đoạn từ mối quan hệ quan chức, thầy cô giáo và tiền.
Cha mẹ của các thí sinh đó đều là công an, bộ đội, làm cục thuế, bác sĩ, kiểm lâm, cán bộ văn phòng, ngân hàng, lãnh đạo của TP, tỉnh và cả giáo viên. Nó tạo nên mối quan hệ khăng khít “xin cho” giữa con nhà lãnh đạo, quan chức, khi cha mẹ muốn con mình thật nổi bật ở tỉnh nhà với thành tích học tập cao ngất, đậu vào các trường "top trên" như công an, quân đội.
Và nếu không có sự phát hiện của cơ quan chức năng thì những học sinh này đã cướp đi thành quả học tập chân thực của các thí sinh khác. Các em đã vươn lên bằng trò ma mãnh của phụ huynh và một số cán bộ hội đồng chấm thi, đạp lên thí sinh khác đã nỗ lực bằng học tập của mình. Và rồi nếu khi chúng ra trường, không ai chắc chắn chúng sẽ không tiếp tục tiến thân bằng con đường dối trá đó, mối quan hệ đổi chác và sãn sàng đạp bằng chân lý, đạo đức, tài năng để vươn lên.
|
Thí sinh được nâng điểm được cho đều là con cán bộ, lãnh đạo |
Khi mọi thứ đã lộ tẩy, không ít người còn đặt câu hỏi với các vị phụ huynh đã "thổi điểm" cho con mình, bản thân họ đã tiến thân bằng con đường tự lực, minh bạch hay “mua quan bán chức”?. Đơn giản vì họ thấy mọi thứ đã mua được bằng tiền thì việc thi cử sao không thể mua được. Đó là lôgic của sự suy thoái.
Sẽ khá lâu để các "tân sinh viên" bị trả về địa phương lãng quên "nỗi nhục" này. Một bản án mà cha mẹ đã "tặng" cho chúng. Đó là cái giá quá đắt cho một tuổi thanh xuân nhạt nhòa, chôn vùi trong chính trò lưu manh mà cha mẹ chúng xây dựng.
Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng dùng tiền để mua điểm, mua cơ hội cho con em là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi, thu thập bằng chứng để xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy theo mức độ vi phạm.
“Tôi đề nghị có hình thức xử lý thích đáng phụ huynh có chứng cứ là đã trả tiền để được nâng điểm cho con em. Cán bộ, công chức thì xử lý trong cơ quan, đơn vị công tác, dân thường thì xử lý ở nơi cư trú, nếu đến mức nghiêm trọng thì xử lý bởi tòa án”.