Cả xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

(PLVN) - Chiến tranh đã lùi xa, âm thanh bom đạn đã chìm vào quá khứ nhưng những vết thương của nó vẫn hằn sâu trên cơ thể của những người đã dành cả tuổi thanh xuân để đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước. Một trong những nỗi đau ám ảnh nhất chính là di chứng nặng nề do chất độc da cam/dioxin để lại, nỗi đau này không chỉ âm ỉ, kéo dài mà còn di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Những năm qua, công tác chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được triển khai tích cực. (Ảnh: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam)

Nỗi đau dai dẳng qua nhiều thế hệ

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ sử dụng một khối lượng khổng lồ bom đạn và vũ khí gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hóa học trên quy mô lớn nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của Nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Miền Nam Việt Nam khi ấy đã trở thành một “phòng thí nghiệm chiến tranh”, nơi đế quốc Mỹ nghiên cứu, thử nghiệm tàn khốc các loại chất độc hóa học.

Ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ lần đầu tiên sử dụng máy bay H-34 phun rải chất độc dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kon Tum lên Đắk Tô (Kon Tum), mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền Nam Việt Nam. Giai đoạn 1961 - 1971, tổng cộng quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống 3,06 triệu ha đất (gần bằng 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ). Trong đó, 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần.

Việc phun rải khối lượng khổng lồ chất độc hóa học và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài đã để lại hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và hệ sinh thái tự nhiên ở Việt Nam. Nhiều vùng đất bị ô nhiễm nặng nề, khiến các hệ sinh thái bị đảo lộn, rừng mất đi chức năng quan trọng như giữ nước, chống lụt. Đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Nhiều loài động, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, trong khi các loài gặm nhấm và cỏ dại phát triển mạnh. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) và ở huyện Năm Căn, Cà Mau bị phá hủy nặng nề, khiến vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Bên cạnh hậu quả của thiên nhiên, chất độc da cam/dioxin còn hủy diệt sức khỏe con người. Ngày 20/2/2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT ban hành danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học dioxin, bao gồm: các loại ung thư; bệnh đa u tủy xương ác tính; các bất thường sinh sản; các dị dạng, dị tật bẩm sinh; rối loạn tâm thần… Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều chứng minh, chất da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và các trường hợp thai dị dạng, để lại di chứng cho thế hệ sau.

Theo thống kê chưa đầy đủ, chất độc da cam/dioxin đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân (họ là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin; bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, bị vô sinh hoặc có con cháu dị dạng dị tật...). Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh…

Nguy hiểm hơn, chất độc da cam/dioxin có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư. Theo số liệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm 2022, cả nước có khoảng hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai (con), 35.000 nhân thuộc thế hệ thứ ba (cháu) và khoảng 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư (chắt). Khảo sát tại một số tỉnh miền Nam, có đến 23,7% số người được khảo sát có 1 - 3 con bị khuyết tật; 5,7% có cháu khuyết tật. Tỷ lệ mắc ung thư là 14,9%, hầu hết ở nhóm các nạn nhân trên 50 tuổi. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở nước ta có tới 4 - 5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn.

Có thể thấy, những hậu quả do chất độc da cam/dioxin đã và đang gây tổn thất nặng nề đến sức khỏe của nạn nhân. Đặc biệt trong những hoàn cảnh thương tâm khi cha mẹ nạn nhân qua đời, để lại những đứa trẻ mang dị tật, dị dạng không còn người nuôi dưỡng, chăm sóc. Chưa kể, đời sống vật chất và tinh thần của hầu hết nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải đối mặt với vô vàn khó khăn, nhất là ở những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân.

Họ là những người mang trong mình bệnh tật, đau đớn thể xác, thiệt thòi về tinh thần, không thể lao động như người bình thường, mất hoàn toàn khả năng lao động, thậm chí không có khả năng làm chủ hành động của bản thân... phải sống phụ thuộc vào người thân hoặc cộng đồng. Vì vậy, cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám dai dẳng, khiến nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin luôn ở vòng luẩn quẩn của nghèo đói, bệnh tật và tuyệt vọng.

Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại TP Đông Hà, Quảng Trị. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Hành động vì nỗi đau da cam

Nhìn vào nỗi đau về thể xác và tinh thần của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đó không chỉ là nỗi đau của từng cá nhân, mà là nỗi đau chung của cả xã hội. Chính vì vậy, trước nỗi đau da cam chưa bao giờ vơi, việc xoa dịu không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đó cũng là lương tâm, là trách nhiệm của mỗi người Việt Nam, để từ đó, cùng chung tay làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tiếp thêm cho họ khát vọng và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Thấu hiểu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nói riêng. Hàng năm, Nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc này.

Hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin được chỉnh hình, phục hồi chức năng. Hàng chục nghìn trẻ em khuyết tật, trong đó có trẻ em chịu hậu quả gián tiếp của chất độc da cam/dioxin được đi học tại các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Bên cạnh đó, hoạt động tích cực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng trong việc chăm lo, hỗ trợ đời sống cho các nạn nhân trên cả nước. Tại một số địa phương, các Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động vận động nguồn lực nhằm đưa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thực hiện một cách thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế và mang tính bền vững.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến sự đồng hành đầy nghĩa tình của các tổ chức từ thiện và những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước. Chính sự hỗ trợ kịp thời, những lời động viên chân thành đã tiếp thêm sức mạnh cho những con người đang ngày ngày đối mặt với nỗi đau da cam có thêm niềm tin, ý chí để vượt lên số phận. Đáng quý hơn, ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam quan tâm, thấu hiểu và sẻ chia với nỗi đau da cam. Lớp trẻ không chỉ dừng lại ở cảm thông bằng trái tim mà còn hành động bằng những việc làm thiết thực, như: tham gia các chiến dịch tuyên truyền, vận động gây quỹ, tổ chức thăm hỏi, trao quà,…

Dẫu biết rằng, nỗi đau da cam với những mất mát về sức khỏe, tinh thần, cuộc sống... là điều không gì có thể bù đắp được. Thế nhưng, bằng sự đồng lòng chúng ta hoàn toàn có thể xoa dịu nỗi đau ấy. Khi cả xã hội cùng chung tay, nỗi đau sẽ được vơi đi, hy vọng sẽ được thắp lên và những nạn nhân chất độc da cam/dioxin từng chịu thiệt thòi sẽ có thêm cơ hội để sống trọn vẹn hơn, an yên hơn trong vòng tay nhân ái của cộng đồng.

Đọc thêm