Các ấn phẩm “lọt lưới” kiểm duyệt: Do liên kết xuất bản?

  Chưa bao giờ các nhà xuất bản lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như bây giờ. Khó khăn về kinh tế, khó khăn trên con đường tìm kiếm mô hình để phát triển... Cùng với đó là sự gian nan trong việc lựa chọn đối tác và những thách thức trong khâu kiểm duyệt tác phẩm.Đó là nhận xét của phần đông “người trong cuộc” trước thắc mắc: Tại sao, thời gian gần đây sách lại bị thu hồi nhiều đến vậy?

Chưa bao giờ các nhà xuất bản lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như bây giờ. Khó khăn về kinh tế, khó khăn trên con đường tìm kiếm mô hình để phát triển... Cùng với đó là sự gian nan trong việc lựa chọn đối tác và những thách thức trong khâu kiểm duyệt tác phẩm.

Đó là nhận xét của phần đông “người trong cuộc” trước thắc mắc: Tại sao, thời gian gần đây sách lại bị thu hồi nhiều đến vậy?

Liên tục thu hồi

Sau khi cuốn “Sợi xích” của tác giả Lê Kiều Như bị thu hồi chưa được bao lâu, lại một cuốn sách nữa bị Cục Xuất bản - Bộ Thông tin & Truyền thông “tuýt còi”. Đó chính là cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” do Nhà xuất bản (NXB) Mỹ thuật liên kết với Công ty sách Nhã Nam xuất bản. 

Bìa cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”.

Cụ thể, sau khi bị nhiều người đọc phản ánh “cuốn sách làm phá hỏng sự trong sáng của tiếng Việt”, Cục Xuất bản đã yêu cầu NXB Mỹ thuật phải thu hồi lại sách để thẩm định lại nội dung, đồng thời nộp ngay lưu chiểu theo quy định, bởi thực tế Cục Xuất bản cho biết, cuốn sách này chưa hề nộp lưu chiểu.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, tập truyện ngắn mang tên “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên (do Công ty sách Phương Nam và NXB Hội Nhà văn liên kết thực hiện) lại bị Sở Thông  tin và Truyền thông TP. HCM xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và đề nghị thu hồi với lý do: “Dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục...” (vi phạm Khoản 2, Điều 10, Luật Xuất bản).

Câu chuyện còn chưa ngã ngũ thì mới đây thôi, cơ quan chức năng lại tiếp tục đề nghị thu hồi và xử lý gần 100 cuốn sách (do NXB Phụ nữ, NXB Thanh Niên... xuất bản) được bày bán tại một số nhà sách trên địa bàn Thủ đô vì truyền tải và phổ biến phương pháp sinh con trai, gái vì vi phạm Pháp lệnh dân số...

Càng thu hồi, càng... đắt khách

Khẳng định này là hoàn toàn có cơ sở. Bằng chứng là, sau khi có lệnh thu hồi, “Sợi xích” của Lê Kiều Như đắt như tôm tươi. Sách chính hãng bán hết, người ta tìm đến những cuốn sách lậu được bán tràn lan trên các hè phố...

Tương tự như vậy, hôm trước có “trát” thu hồi, hôm sau cuốn  “Sát thủ đầu mưng mủ” đã nổi như cồn và bị người đọc “truy lùng” ráo riết. Và, bất cứ nơi đâu (trên các đường phố hay trường học, thậm chí cả nơi công sở) những câu thành ngữ kiểu “Sát thủ đầu mưng mủ” được phát tán rộng rãi và trở thành câu cửa miệng của không ít người, trong đó có cả những “cậu ấm, cô chiêu” đang học tiểu học.

Cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng “sốt xình xịch” sau khi bị cho là phản cảm. Điều lạ lùng là, càng bị nói là “dâm ô”, “thô tục”..., độc giả càng đổ xô đi mua, thậm chí cả những người không “nghiền” sách cũng bị cuốn theo cơn lốc này.

Sau khi đọc xong cuốn sách, chị đồng nghiệp cùng cơ quan tôi thở than với một chủ hiệu sách quen trên phố Láng Hạ, rằng cuốn sách đọc “kinh” quá, thì được chị này “mắng yêu”: “May có vụ đó nên sách của tôi mới đắt khách, nếu không để bán giấy vụn à?”.

Rồi chị kể, cách đây mấy tháng cuốn sách “ế xưng ế xỉa”, để bám bụi trên giá không ai thèm hỏi. Bỗng nhiên, tới tấp khách hàng hỏi mua. Hỏi ra mới biết, hóa ra sách bị nhà quản lý “tuýt còi”... Sau rất nhiều lần như vậy, người ta kháo nhau: Biết đâu, đây là một “chiêu” giúp nhà sách tiêu thụ sách?!

“Lọt lưới” do đâu?

Giải trình về vụ việc “lùm xùm” của mình, lãnh đạo NXB Mỹ thuật - “cha đẻ” của cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh cho biết, sau khi nhận được công văn của Cục Xuất bản, NXB Mỹ thuật đã gửi công văn yêu cầu đơn vị liên kết xuất bản - Công ty Truyền thông Nhã Nam - thu hồi 5.000 cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” mà công ty này đã phát hành.

Theo đó, NXB Mỹ thuật chỉ cấp phép xuất bản với tên sách là “Thành ngữ sành điệu” nhưng phía đối tác lại in thành “Sát thủ đầu mưng mủ - Thành ngữ sành điệu bằng tranh”. Và khi quyết định cấp phép, NXB thẩm định nội dung, quyết định số trang và tên sách, nhưng khi sách in xong, không chỉ tên sách không đúng mà số trang in lên đến 120 trang. Sai sót này không chỉ xảy ra ở cuốn sách này mà trở thành hiện tượng khá phổ biến và nhức nhối ở rất nhiều cuốn sách được liên kết xuất bản.

Bởi vậy, nhiều lãnh đạo NXB đã khẳng định, đa số các cuốn sách “có vấn đề” và bị thu hồi là do lỗi liên kết. Có NXB có tới 9/10 xuất bản phẩm được thực hiện theo hình thức liên kết và thực tế đã có trường hợp NXB “bán” giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá... 300.000 đồng - ông Nguyễn Đức Hùng, GĐ NXB Quân đội Nhân dân khẳng định.

Không chỉ có vậy, một nữ biên tập viên cứng của một NXB danh tiếng cho hay, đại đa số cuốn sách do NXB của chị xuất bản mà nội dung chính là do phía liên kết và đầu nậu sách tự thiết kế và dàn dựng, sau khi đã khảo sát thị hiếu của người tiêu dùng. Và cũng chính đơn vị này là người trực tiếp kiểm duyệt các tác phẩm đó. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng: sau khi cuốn sách ra đời, nhiều NXB còn không biết đó chính là đứa con do mình đẻ ra. Đến khi bị cơ quan chủ quản “sờ gáy” mới thảng thốt giật mình thì “mọi sự đã rồi”...

Cũng chính vì sự lơi lỏng trong quản lý và hoạt động của một số NXB đã khiến đối tác liên kết lạm quyền, tự tung tự tác, không nghiêm túc thực hiện cam kết trong hợp đồng như tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, không nộp lưu chiểu... Đúng như nhận định của cơ quan chủ quản tại Hội nghị tổng kết 6 năm Luật Xuất bản vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội: “Sau 6 năm thi hành Luật Xuất bản, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đó là tình trạng nhiều NXB yếu năng lực dẫn tới việc buông lỏng quản lý, không tuân thủ đúng quy trình biên tập và đọc, duyệt bản thảo, duyệt phát hành; không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định...”.

Tính đến ngày 12/12/2011, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được hơn 20.000 cuốn sách với gần 267 triệu bản (đạt 110% về cuốn và 103% về bản so với năm 2010). Tuy nhiên, nội dung một số xuất bản phẩm vẫn bộc lộ những hạn chế, yếu kém dẫn đến những sai sót về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử; hoặc xuất bản những tác phẩm không có tính giáo dục; hoặc có yếu tố sex thô tục, phản cảm, gây phản ứng cho dư luận và bạn đọc...

(Nguồn: Cục Xuất bản)

(còn tiếp)

Lâm Long

Đọc thêm