Bệnh thường gặp khi bơi
Da liễu: Do lây nhiễm từ những người mắc bệnh bơi cùng, do nguồn nước có hàm lượng clo cao hoặc ánh sáng mặt trời quá mạnh gây tổn thương da, tóc. Một sốt bệnh gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục thông qua tăm nước hồ bơi được ghi nhận như lậu, viêm nhiễm cơ quan sinh dục...
Bệnh tai mũi họng: Do uống phải nước hoặc sặc nước hồ bơi đưa vi trùng vào mũi, họng, xoang. Đặc biệt, nhiễm vi trùng não mô cầu có thể diễn tiến tử vong rất nhanh do nhiễm trùng huyết.
Bệnh viêm kết mạc mắt rất dễ xảy ra khi đi bơi.
Khi đi bơi đặc biệt rất dễ bị các bệnh về mắt như viêm kết mạc, đau mắt do dị ứng nước bể bơi hoặc đau mắt đỏ, đau mắt hột do lây bệnh từ hồ bơi.
Để phòng tránh các bệnh về mắt khi đi bơi nên đeo kính bơi chất lượng tốt. Khi bơi xong phải nhỏ thuốc mắt liên tục ít nhất là trong vòng 24 tiếng.
Bệnh tiêu chảy: Nước là môi trường lý tưởng để ký sinh trùng gây tiêu chảy có tên khoa học là Cryptosporidium sinh sống. Loại ký sinh trùng này gây tổn thương tế bào biểu mô ở dạ dày, ruột, đường hô hấp. Khi bị nhiễm thường không có triệu chứng, vì vậy chúng ta là những ổ chứa âm thầm truyền bệnh cho những cá thể khác.
Khi bị nhiễm Cryptosporidium, bệnh nhân bị tiêu chảy dữ dội, phân toàn nước, kết hợp với đau quặn bụng, mệt mỏi toàn thân, sốt, chán ăn buồn nôn và đôi khi có nôn. Các triệu chứng thay đổi nhưng thường trong vòng 30 ngày ở những người không có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Ở những người bị suy giảm miễn dịch, có thể tử vong khi bị nhiễm Cryptosporidium. Cryptospo - ridium có khả năng đề kháng cao đối với các hóa chất sát khuẩn cho nước uống và nước bể bơi. Vì thế, một người bị tiêu chảy có thể dễ dàng gây nhiễm bẩn bể bơi. Để ngăn lây lan các mầm bệnh tại bể bơi, bạn cần tránh để nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng. Tắm rửa sạch sẽ trước khi bơi, rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Không nên đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy, vì như thế dễ truyền bệnh cho người khác.
Bệnh phụ khoa: Do nước bể bơi có rất nhiều vi khuẩn nấm, vi trùng gây bệnh... nếu không vệ sinh sạch sẽ, các vi khuẩn nấm và vi trùng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, gây ra hiện tượng nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục. Bệnh này nếu không phát hiện sớm và điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm: Tiểu ra máu, tiểu buốt, rắt; nam giới viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt, phụ nữ là viêm âm hộ, viêm cổ tử cung và viêm phần phụ.
Bệnh hen: Thủ phạm gây ra căn bệnh này chính là các chất hóa học được sử dụng rất nhiều nhằm giữ cho nước bể bơi trong hơn. Nếu thấy có hiện tượng ho nhiều và khó thở, nên tạm dừng hoặc hạn chế đi bơi tại các bể bơi công cộng.
Cần chuẩn bị những gì để bảo vệ bản thân khi đi bơi?
Để đảm bảo vệ sinh nên chọn hồ có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24. Các chất xử lý làm sạch nước hồ cũng được liên tục điều tiết qua hệ thống tự động này.
Bạn có thể hỏi trực tiếp người quản lý bể bơi hoặc nhận biết qua quan sát, hệ thống lọc thường khá lớn, đặt cạnh bên hồ bơi, có bộ phận trực kỹ thuật kiểm tra.
Trang bị kính bơi: Bể bơi là nơi có rất nhiều hóa chất, các chất thải, chất bẩn gây hại cho cơ thể. Vì thế, ngoài đồ bơi chất liệu tốt, chúng ta cũng nên trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nhất là đôi mắt, tránh ảnh hưởng xấu và các bệnh tật gây hại.
Thoa kem chống nắng: Với kiểu bể bơi được thiết kế trong nhà, có thể thoa kem chống nắng với độ SPF ở mức 15 bởi ánh nắng mặt trời vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính và tác động đến da. Khi bơi ngoài trời, cho dù trời không nắng vẫn nên thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Hãy chọn loại kem chống nắng không thấm nước, có độ SPF ở mức 30. Mức SPF cao hơn sẽ khó thẩm thấu vào da khiến da dễ bị khô.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi: Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ.
Lưu ý, phụ nữ trước và trong kỳ “đèn đỏ” hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì không nên đi bơi.