Các cơ sở giáo dục cần đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các trường đại học đạt thứ  hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, nhất là các đại học quốc gia và đại học vùng.
Đại học Quốc gia Hà Nội luôn giữ vị trí cao trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 628 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Một trong những nhiệm vụ của Kế hoạch là từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Tập trung đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao và các trường đại học đạt thứ  hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, nhất là các đại học quốc gia và đại học vùng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục và các Đề án, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế; tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; xây dựng xã hội học tập.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tạo cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo và công nhận lẫn nhau về trình độ đào tạo với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Đổi mới công tác quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hoàn thiện cơ chế để cơ quan quản lý giáo dục địa phương được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và phân bổ, sử dụng tài chính dành cho giáo dục.

Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng cơ chế, chính sách mở để khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, đặc biệt là phát triển giáo dục gắn với nhu cầu xã hội; tăng cường thu hút đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thông qua hợp tác, liên kết đào tạo...

Đọc thêm