Các cường quốc thế giới và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử

(PLO) - Trong một thỏa thuận mang tính chất đột phá với các cường quốc thế giới đạt được trong ngày 24/11, Iran đã đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc nói lỏng các biện pháp trừng phạt. 
Các cường quốc thế giới và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, thỏa thuận sơ bộ đã đạt được trong các cuộc đàm phán kéo dài tại Geneva là “bước quan trọng đầu tiên” để giảm bớt những lo ngại rằng Tehran sẽ chế tạo bom. “Ngày hôm nay, Mỹ cùng với các đồng minh thân cận và các đối tác đã có một bước đi quan trọng để hướng tới một giải pháp toàn diện nhằm giải quyết những lo ngại của chúng ta đối với chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Dù tuyên bố ngày hôm nay chỉ là bước đầu nhưng nó đã đạt được 1 thỏa thuận lớn” – ông Obama phát biểu tại Nhà Trắng. Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong khi đó nói rằng bước đột phá này sẽ mở ra “những chân trời mới”. 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, theo thỏa thuận giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cùng Đức được công bố lúc 3h00 (giờ Geneva, 02h00 GMT), Tehran sẽ giới hạn việc làm giàu uranium – vốn là hoạt động dấy lên những nghi vấn rằng Iran đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân - xuống mức độ thấp. 
Tehran cũng sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kho dự trữ uranium đã được làm giàu tới độ tinh khiết gần 20% trong vòng 6 tháng. Nước này cũng cam kết sẽ không tăng thêm lò phản ứng hạt nhân đã được làm giàu ở mức độ thấp hay lắp đặt thêm các máy ly tâm ở lò phản ứng hạt nhân Arak và cho phép các thanh tra của Liên hiệp quốc tiếp cận các khu vực Fordow, Natanz.
Đổi lại, theo thỏa thuận, Iran sẽ nhận được khoảng 7 tỉ USD hỗ trợ thiệt hại do cấm vận và các cường quốc thế giới sẽ không áp đặt thêm các biện pháp cấm vận mới trong 6 tháng nếu Iran tuân thủ thỏa thuận. Trong giai đoạn kéo dài 6 tháng này, Iran và Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức sẽ đàm phán về một giải pháp toàn diện để tạo niềm tin trong cộng đồng quốc tế rằng các hoạt động hạt  nhân của Iran sẽ chỉ nhằm mục đích hòa bình. 
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, vẫn cần phải xem thỏa thuận này sẽ được những người theo đường lối cứng rắn ở cả Mỹ và Iran đón nhận ra sao và liệu cả 2 bên có tuân thủ đúng các cam kết của họ trong vòng nửa năm tới. Nhiều người Iran – vốn xem chương trình hạt nhân là niềm tự hào quốc gia – đang trở nên thiếu kiên nhẫn để chứng kiến các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Ayatollah Khamenei hồi tuần trước nhấn mạnh sẽ không lùi một bước trong các quyền của Iran.