'Các ĐH có thể yên tâm dùng kết quả thi THPT Quốc gia'

(PLO) - Chiều 24/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Văn Ga.
Thí sinh vui vẻ kết thúc môn thi cuối cùng trong kỳ thi THPT Quốc gia (Ảnh từ internet)

Có thể yên tâm dùng kết quả tuyển sinh?

Thông tin chung về kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi năm nay có 865.866 thí sinh đăng ký được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi, huy động gần 90.000 cán bộ tham gia kỳ thi, trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016.

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết: “Thực tế cho thấy, trong thời gian diễn ra kỳ thi, trật tự các điểm thi đều nhẹ nhàng, an toàn, không lộn xộn. Việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đã triệt tiêu việc đưa tài liệu vào phòng thi. Bên cạnh đó, cán bộ coi thi là 50% cán bộ ĐH, 50% giáo viên phổ thông nên việc giám sát vi phạm hoàn toàn đủ độ tin cậy.

Đối với các hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, đây không phải là chuyện mới. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với lực lượng công an tập huấn kỹ và phổ biến cụ thể đến các hội đồng thi. Với cách làm này, cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm thì không khó phát hiện tốt gian lận”. 

Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn cũng đồng tình với quan điểm của ông Mai Văn Trinh khi cho rằng, qua giám sát kỳ thi cho thấy 2 yếu tố: 50% cán bộ coi thi là giảng viên ĐH; thi trắc nghiệm với mỗi thí sinh một mã đề thi đã bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi, đủ để các trường ĐH yên tâm sử dụng kết quả vào ĐH.

Thí sinh có “hên, xui”… khoanh bừa?

Qua quá trình giải đề, nhiều giáo viên phản ánh có tình trạng đề thi có độ khó không đồng đều. Ví dụ, môn Lịch sử mã đề 319 thì dễ nhưng mã đề 301 và 314 của môn thi này lại khó hơn nhiều. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh phản ánh một số mã đề môn Vật lý có sự sắp xếp câu hỏi không theo mức độ từ dễ đến khó mà lẫn vào nhau gây tâm lý hoang mang khi phần đầu đã gặp ngay câu khó. Hoặc có tình trạng nhóm câu hỏi khó ở một số mã đề đáp án thường rơi vào một nhóm ký tự, tạo nên tình trạng “hên, xui” cho những thí sinh lựa chọn cách khoanh bừa.

Tuy nhiên, ông Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT đã nói rõ về quy trình đưa ra đề thi và cách “trộn” 24 mã đề khác nhau dựa trên 4 đề thi gốc. Ông Sái Công Hồng cũng cho rằng, sẽ khập khiễng nếu so sánh độ khó giữa các đề mà chỉ có thể so sánh trong ma trận tổng thể bài thi. Cùng một nội dung kiến thức nhưng ở mã đề này rơi vào nhóm câu hỏi dễ, còn mã đề khác lại sử dụng để hỏi thuộc nhóm câu hỏi khó. Về việc có tình trạng bố trí đáp án nghiêng nhiều về một phía (A, B...) ở phần câu hỏi nâng cao, ông Hồng cho biết việc “trộn” đáp án là do phần mềm tự “trộn” nên không thể can thiệp.

“Ban đề thi được Bộ trưởng chỉ đạo cố gắng ra đề tương đương để các em không gian lận. Với 24 mã đề, thời gian rất ngắn như vậy thì khó trao đổi với nhau để 10 điểm môn Lý mà 0 điểm môn Toán”, ông Hồng nhấn mạnh. Tuy nhiên, vì lần đầu tiên áp dụng hình thức ngân hàng đề thi theo quy trình quốc tế, ông Hồng thừa nhận chưa có sự “tròn trịa”, các năm tới sẽ cố gắng điều chỉnh dần để các đề thi hoàn chỉnh hơn dựa trên góp ý của dư luận liên quan đến chất lượng đề thi.

Giảm kỷ lục thí sinh đình chỉ

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, toàn đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi. Con số này ở năm 2016 là 328 em. Năm nay, kỳ thi cũng chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở do vi phạm quy chế.

Tuy nhiên, tại buổi họp báo, nhiều phóng viên tại các cơ quan báo chí tỏ ra lo ngại về con số 72 thí sinh bị đình chỉ thi và đặt vấn đề: liệu có phải kỳ thi thực sự nghiêm túc hay do giao cho các sở tổ chức thi nên có sự buông lỏng?

Mặc dù Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Đặc biệt, thách thức lớn nhất của cả kỳ thi là lần đầu tiên xây dựng mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Và kỷ cương, kỷ luật trường thi được tăng cường nhờ có sự tham gia của các cán bộ coi thi trường ĐH. Thi trắc nghiệm trong thời gian ngắn, mỗi thí sinh có mã đề thi riêng nên sự vi phạm quy chế đã hạn chế đến mức tối đa”, song trái với những gì Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ, rất nhiều cơ quan báo chí đã dẫn chứng nhiều trường hợp cho thấy, phía trong cánh cửa phòng thi vẫn chưa trật tự như Bộ GD&ĐT khẳng định.

Cụ thể, theo phản ánh của báo chí, trong quá trình đi cùng đoàn thanh tra, phóng viên tận mắt chứng kiến trường hợp giám thị “nương tay” với thí sinh dù phát hiện vi phạm. Thậm chí, có thí sinh hồn nhiên trả lời trên một chương trình trực tuyến VOV ngay sau ngày thi đầu tiên là em làm bài rất tốt, giám thị cho... chép bài thoải mái! Một trường hợp khác, khi tác nghiệp cùng đoàn thanh tra ở điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại Hòa Bình trong buổi thi môn Ngữ văn, một tình huống lạ diễn ra: mặc dù còn 30 phút nữa mới hết thời gian làm bài, song khi thấy đoàn thanh tra xuất hiện, rất nhiều phòng thi thí sinh chỉ ngồi yên và… nhìn, không ai viết thêm gì vào bài làm!

Phóng viên Báo Tuổi trẻ cũng chia sẻ lá thư được gửi đến tòa soạn từ một giảng viên (GV) ĐH vừa tham gia coi thi. Theo GV này, quy tắc “1 kèm 1” (mỗi phòng thi có 1 cán bộ là giáo viên THPT và 1 cán bộ là GV ĐH), nhưng vô tình gây áp lực không nhỏ cho GV ĐH. Có nơi tiếp đón GV ĐH “chu đáo” quá, cũng khiến họ cảm thấy sợ.

Trong khi đó, không ít địa phương chỉ giao vị trí giám thị 2 cho GV ĐH dù nhiều thầy cô có chuyên môn cao. Cũng theo phản ánh của GV này, có trường hợp phát hiện ra thí sinh vi phạm quy chế thi nhưng thay vì xử lý thì GV này được yêu cầu đưa thí sinh về Hội đồng thi để xử lý nội bộ.

Đồng thời, Báo điện tử Dân Trí cũng dẫn chứng ở Quảng Ngãi, thí sinh bị phát hiện gian lận không phải từ cán bộ coi thi mà là từ thanh tra thi. Tình trạng lộn xộn, mất trật tự trong phòng thi cũng được độc giả phản ánh khá nhiều, thay vì hoàn toàn nghiêm túc, trật tự theo báo cáo của Bộ GD&ĐT.

Đọc thêm