Các địa phương chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh cho trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước đang trong giai đoạn chuyển mùa, phòng bệnh và phát hiện sớm các loại bệnh như thủy đậu, tay - chân - miệng, sốt xuất huyết… ở trẻ em là ưu tiên hàng đầu đối với ngành y tế các tỉnh.
Khám bệnh cho trẻ em ở Lâm Đồng.
Khám bệnh cho trẻ em ở Lâm Đồng.

Tại Kon Tum, Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị y tế cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng về sự nguy hiểm của một số loại bệnh đối với trẻ em. Cùng với đó, thông qua nhiều hình thức như, phát thông điệp trên hệ thống loa truyền thanh, xe loa lưu động, tờ rơi, áp phích, đăng tải trên mạng xã hội… hướng dẫn người dân cách phòng, tránh các loại dịch bệnh cho trẻ em.

Bác sỹ chuyên khoa II Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian tới, để phòng bệnh cho trẻ em, gia đình, nhà trường, các cấp, các ngành quan tâm đầu tiên vẫn là vấn đề vệ sinh. Trong đó, vấn để rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là một trong những yếu tố tiên quyết để phòng các bệnh tay - chân - miệng, quai bị, thủy đậu... Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường khơi thông cống, rãnh, diệt lăng quăng, bọ gậy để tránh dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp, các ngành để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em, nhất là đối với các thôn làng xa xôi điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Trong khi đó, Sở Y tế Lâm Đồng, chính quyền các cấp, ngành… cũng đang phối hợp với ngành Y tế ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, tiêu chảy do virus Rota, viêm não, bạch hầu, ho gà… và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn.

Đặc biệt, Lâm Đồng cũng chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư… Triển khai các chiến dịch vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn có nguy cơ cao, đặc biệt tại các công trường xây dựng, nhà trọ, nhà trẻ mầm non. Giám sát chặt chẽ, xử lý ổ dịch kịp thời, cấp cứu điều trị người mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để có thể xử lý nhanh các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, ngành y tế địa phương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Các Bệnh viện II Lâm Đồng; Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng phải tập huấn và cập nhật nhanh các kiến thức điều trị bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh đang có xu hướng gia tăng như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng… để không rơi vào tình thế bị động.

Còn tại Quảng Nam, tỉnh cũng đang siết chặt công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng gây tử vong. Thực hiện tốt việc phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay - chân - miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở.

Đọc thêm