Các điểm Bưu điện Văn hóa xã tại Bình Định, "vương" thì tội

Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như “vũ bão”; người người, nhà nhà đều có điện thoại, tivi, thậm chí máy vi tính kết nối mạng internet… nên nhiều điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên địa bàn tỉnh Bình Định lâm vào cảnh vắng lặng, chỉ hoạt động cầm chừng.

Hiện nay, công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như “vũ bão”; người người, nhà nhà đều có điện thoại, tivi, thậm chí máy vi tính kết nối mạng internet… nên nhiều điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) trên địa bàn tỉnh Bình Định lâm vào cảnh vắng lặng, chỉ hoạt động cầm chừng.

BĐVHX Phước Thắng, huyện Tuy Phước trong tình trạng cửa đóng then cài.

Cách đây hơn 10 năm (giai đoạn từ 1998 - 2002), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông bỏ hàng trăm tỉ đồng đầu tư, xây dựng các điểm BĐVHX trong toàn quốc với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi. Tại tỉnh Bình Định, thời gian mới đi vào hoạt động, các điểm BĐVHX thực sự là cầu nối để người dân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật; góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. 

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, hầu hết các điểm BĐVHX dần xuống cấp; các loại sách, báo, tài liệu tại BĐVHX cũ kỹ, không theo kịp xu thế phát triển. Đặc biệt, khi CNTT phát triển một cách “phi mã” như hiện nay, hầu hết người dân đều có điện thoại và các thiết bị nghe, nhìn hiện đại, không còn mặn mà lắm với việc đến các điểm BĐVHX để tìm hiểu thông tin.

Do đó, các điểm BĐVHX lâm vào cảnh vắng lặng, chỉ hoạt động cầm chừng. Việc kinh doanh ngày càng “đi xuống” nên những người làm việc tại các điểm BĐVHX gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cuộc sống, nhiều người phải chạy đôn chạy đáo phát bưu phẩm, bán card điện thoại di động, kinh doanh dịch vụ photocopy, dịch vụ internet... nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với việc giá cả các mặt hàng tăng chóng mắt như hiện nay.

Theo một nhân viên đang làm việc tại điểm BĐVHX An Hòa (huyện An Lão): “Hiện hoạt động chủ yếu của BĐVHX chỉ là đưa thư, báo chí, công văn… cho xã. Mức thu nhập hàng tháng rất thấp, không đủ nuôi sống bản thân nên nhiều người không mặn mà với công việc; dẫn đến việc hoạt động của BĐVHX không có hiệu quả”.

Ông Lê Xuân Tiễn, Phó Giám đốc Bưu điện khu vực 2 - phụ trách địa bàn huyện An Nhơn, cho biết: Toàn huyện An Nhơn có 10 điểm BĐVHX đang hoạt động; trong đó chỉ có 2 điểm kinh doanh có hiệu quả, còn lại hoạt động cầm chừng, phục vụ nhiệm vụ công ích là chính. Hiện nhân viên làm việc tại các điểm BĐVHX chỉ nhận 760.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Tiễn: “Để các điểm BĐVHX thực sự phát huy hiệu quả, các cơ quan, ban ngành và địa phương cần có chính sách phối hợp để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, một số điểm BĐVHX do xây dựng lâu nên đã xuống cấp; các loại sách, báo, tài liệu quá cũ. Do đó, cấp thẩm quyền cần hỗ trợ kinh phí để sửa chữa lại các điểm BĐVHX bị hư hỏng; cũng như đầu tư, mua các loại sách, báo, tài liệu mới để phục vụ người”.

Được biết, hiện ngành Bưu chính tỉnh Bình Định nói riêng và ngành Bưu chính - Viễn thông nói chung đang tìm nhiều giải pháp để “cứu” các điểm BĐVHX. Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp đều chỉ mang tính tạm thời nên vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Một số ý kiến cho rằng, muốn “vực dậy” các điểm BĐVHX, cần tạo điều kiện để nó hoạt động như một thiết chế văn hóa cơ sở. Tận dụng điểm BĐVHX làm nơi sinh hoạt cộng đồng; là nơi cung cấp thông tin, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Có như vậy, các điểm BĐVHX mới thật sự góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa và tránh lãng phí.

Văn Lực

Đọc thêm