Luật sư Nguyễn Quang Tâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội tư vấn: Tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC), quy định các khoản phụ cấp không phải đóng thuế thu nhập cá nhân bao gồm các khoản phụ cấp, trợ cấp sau: Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công. Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên, các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn nêu trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Trong trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực nhà nước để tính trừ.
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Đối với trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.