Bài toán đó đặt Chính phủ khóa mới nhiệm kỳ 2016-2021 trọng trách nặng nề. Để khẳng định quyết tâm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016, về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Trong đó, đáng chú ý là việc giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ rà soát, sửa đổi, xây dựng dự thảo các Nghị định về điều kiện kinh doanh, phù hợp với những đổi mới mang tính cải cách của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, các điều kiện kinh doanh trong Thông tư của cấp Bộ sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ 1/7/2016 và thay vào đó là các Nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 1/7/2016.
Tuy nhiên, với thực trạng tồn tại hiện nay, nội dung cải cách trong các Nghị định này cần tiếp tục được phân tích, lấy ý kiến phản biện xã hội của cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp, những đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ chế hành chính mới. Bởi lẽ, các Bộ ngành có thể nỗ lực cố gắng để hoàn thành công tác cải cách hành chính đúng thời hạn (1/7/2016), song vẫn chưa đủ thông tin, thời gian cho việc chỉnh sửa.
Việc làm này của các bộ, ngành cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo loại bỏ những điểm không rõ ràng, các "giấy phép con", những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây trở ngại cho sản xuất, kinh doanh theo đúng mục tiêu của cải cách hành chính do Chính phủ đặt ra.
Còn nhiều việc phải làm trong quá trình soạn thảo các Nghị định
Mặc dù Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư được ban hành từ khá lâu (cuối năm 2014), tuy nhiên, gần đây các Bộ ngành mới thực sự tập trung vào công tác rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn về thủ tục, điều kiện kinh doanh. Trước đây, nhiều cơ quan soạn thảo vẫn chưa tách bạch các điều kiện đầu tư kinh doanh để tiếp cận thị trường của các chủ thể với các quy định về quy trình sản xuất, tiêu chuẩn đối với chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn được duy trì tồn tại mà chưa sàng lọc, đánh giá để cân nhắc sửa đổi, loại bỏ. Chỉ từ đầu năm 2016, khi Chính phủ quyết liệt yêu cầu, các Bộ, ngành mới thực sự tích cực vào cuộc để tiến hành rà soát hệ thống các văn bản pháp luật qui định về điều kiện, thủ tục kinh doanh.
Thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy, theo kế hoạch, hiện còn tới 86 văn bản (Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) cần ban hành, trong đó có 49 Nghị định hướng dẫn về điều kiện kinh doanh theo Luật đầu tư. Thực tế triển khai cho thấy, việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn đang còn nhiều hạn chế. Cộng đồng Doanh nghiệp khó tiếp cận và không được lấy ý kiến một cách rộng rãi. Đến thời điểm hiện nay, khi thời hạn hiệu lực 1/7/2016 sắp tới, song có lẽ còn không ít doanh nghiệp, người dân chưa được biết đến những thông tin sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của mình. Do thời hạn gấp nên nhiều Nghị định được xây dựng mà việc lấy ý kiến doanh nghiệp (đối tượng chịu tác động trực tiếp), việc tổ chức hội thảo, đánh giá tác động, tổng kết thi hành... còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, việc thẩm định bị áp lực về thời gian (rút ngắn 1/3 thời gian so với luật định) nên khó tránh khỏi hạn chế trong việc bảo đảm chất lượng, tính khả thi, hợp lý của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, tình trạng “cơ học” còn phổ biến khi các đơn vị nâng các quy định từ cấp Thông tư lên thành Nghị định. Do áp lực thời gian, các dự thảo được xây dựng, ban hành theo quy trình rút gọn, nên có thể có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Theo đánh giá của cơ quan thẩm định văn bản, có tới 95% các thủ tục hành chính trong các văn bản gửi thẩm định chưa đảm bảo tinh thần Nghị quyết 59 của Chính phủ, nhiều văn bản có chất lượng chưa đạt yêu cầu của tinh thần cải cách hành chính. Thậm chí, có những qui định trong thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư năm 2005 được các đơn vị “cho” vào Nghị định mới trong khi Luật Đầu tư mới được ban hành từ năm 2014.
Theo thông tin từ VCCI, hiện có tới 7.000 giấy phép con đối với doanh nghiệp, trong đó, trên 1/2 tồn tại và được quy định bởi các Thông tư và dự kiến một nửa cần phải được vô hiệu hóa để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn cho Doanh nghiệp và người dân.
Sau 16 năm thực thi Luật Đầu tư 2005, số điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn có chiều hướng gia tăng. Do đó, nếu không nhất quán tuân thủ Luật Đầu tư 2014, nguy cơ phát sinh thêm các điều kiện cũng như quy định trái luật trong các Nghị định mới có thể xảy ra, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Cần thêm thời gian cho phản biện xã hội rộng rãi
Để đảm bảo các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành đi vào đời sống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thiết nghĩ, cần phải có thêm thời gian cho phản biện xã hội rộng rãi. Nên chăng đề nghị Chính phủ cho lùi thời gian hiệu lực các Nghị định đến 1/8/2016.
Các Nghị định được ban hành phải bảo đảm chất lượng, xác định rõ điều kiện, hồ sơ, thủ tục đơn giản cho doanh nghiệp, hạn chế chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn giữa các văn bản, gây khó khăn cho Doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, bình đẳng. Việc này cần sự hợp tác vào cuộc đồng thời giữa các Bộ. Quy trình xây dựng, thẩm định các Nghị định được rút gọn lại càng đòi hỏi phải bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là có ý kiến phản biện của đông đảo các đối tượng sẽ chịu tác động của Nghị định mới.
Các Bộ có thể thiết lập hệ thống thông tin, diễn đàn để người dân, doanh nghiệp trao đổi, nêu phản biện. Để điều kiện kinh doanh không là rào cản đối với doanh nghiệp. Đơn vị soạn thảo cần lấy ý kiến đủ cả Doanh nghiệp lớn và nhỏ, đánh giá tác động, khả năng gia nhâp thị trường của Doanh nghiệp mới, ước tính số lượng Doanh nghiệp có khả năng đáp ứng được quy định mới...
Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Quyết liệt trong việc xây dựng, ban hành các Nghị định qui định về thủ tục, điều kiện kinh doanh là thể hiện quyết tâm thực hiện cải cách hành chính của các Bộ ngành, là đáp ứng đúng nguyện vọng mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Đây cũng chính là hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Điều đó đòi hỏi từng nội dung qui định cụ thể trong từng Nghị định càng cần phải được đánh giá một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng. Những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết cần cương quyết loại bỏ, không để tồn tại tình trạng nâng cấp Thông tư thành Nghị định một cách cơ học. Quá trình xây dựng Nghị định phải đảm bảo tuân thủ quy định của Luật, phù hợp với thông lệ, minh bạch công khai tới đối tượng chịu tác động. Tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin về thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp. Coi đây là điều kiện cần ưu tiên hàng đầu vừa giảm khối lượng nhân lực làm công việc hành chính tại cơ quan Nhà nước vừa giảm thiểu chi phí cơ hội cho Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần kiên quyết áp dụng chế tài xử lý trách nhiệm đối với những đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành các quy định không đi vào cuộc sống. Đơn vị soạn thảo Nghị định phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ quy định tại Nghị định. Không để dồn trách nhiệm lên cơ quan thẩm định, do thời gian thẩm định ngắn, số lượng thẩm định nhiều.
Có thể thấy, xây dựng ban hành các Nghị định về điều kiện kinh doanh là yêu cầu cấp bách, đáp ứng đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ để tải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, có lẽ cũng cần thêm một khoảng thời gian thực tế để tuyên truyền sâu rộng, phản biện xã hội rộng rãi và hoàn chỉnh thêm nội dung của từng Nghị định../.