Các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà đảm bảo an toàn và ổn định trước mùa lũ năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà năm 2021 cho biết, 5 công trình hồ chứa, đập trên bậc thang thủy điện sông Đà đủ điều kiện vận hành trong mùa lũ 2021.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt – Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Phiên họp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt – Chủ tịch Hội đồng phát biểu tại Phiên họp.

Sáng nay 24/6, Phiên họp thứ 36 của Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đánh giá an toàn đập, hồ chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà diễn ra với hình thức trực tuyến gồm 6 điểm cầu. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt - Chủ tịch Hội đồng, qua quan trắc, đo các thông số và đánh giá tình trạng làm việc từ cơ quan chuyên môn đến tháng 5/2021 cho thấy, các công trình đủ điều kiện sẵn sàng tham gia chống lũ và tích nước năm 2021.

Trên bậc thang thủy điện sông Đà hiện có 5 công trình gồm Bản Chát, Huội Quảng, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình, hoạt động theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Theo tổ tư vấn, dù 5 công trình an toàn ở thời điểm hiện tại nhưng cần theo dõi nhiệt độ bê tông trong thân đập; đồng bộ triển khai đo đạc bồi lắng các hồ chứa để thuận lợi trong việc đánh giá trên toàn hệ thống và tác động đến chế độ bùn cát vùng hạ du.

Ở từng công trình thủy điện, cần loại bỏ các kết quả quan trắc của các thiết bị hỏng, thay vào đó là dùng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới để kiểm tra, quan trắc đập, giúp vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Cụ thể, với công trình thủy điện Hòa Bình cần thay thế các các mốc quan trắc lún PM1-3, PM3-7 và PM4-10 và các Piezometer tự động (OP3’, OP2-1. OP4-4, OP2-5, OP3-1 và OP14) sử dụng để quan trắc đập.

Công trình thủy điện Sơn La cần xử lý thấm khu vực vai trái, kiểm tra và thay thế các mốc khống chế mặt bằng không ổn định; khảo sát.

Công trình thủy điện Bản Chát cần nghiên cứu chuyên sâu về đánh giá an toàn khu vực cửa nhận nước, đập tràn. Xem xét đánh giá lại một số thiết bị quan trắc không tin cậy và loại bỏ các thiết bị hỏng không thể thay thế.

Công trình thủy điện Huội Quảng cũng cần đánh giá lại một số thiết bị quan trắc thiếu tin cậy và loại bỏ các thiết bị hỏng và không có vai trò quan trọng trong kiểm soát an toàn đập.

Công trình thủy điện Hòa Bình cần thay thế các các mốc quan trắc lún PM1-3, PM3-7 và PM4-10 và các Piezometer tự động sử dụng để quan trắc đập (Ảnh minh họa).

Công trình thủy điện Hòa Bình cần thay thế các các mốc quan trắc lún PM1-3, PM3-7 và PM4-10 và các Piezometer tự động sử dụng để quan trắc đập (Ảnh minh họa).

Bộ trưởng cũng đưa ra những lưu ý chung đối với 05 công trình thủy điện bậc thang thủy điện sông Đà, đó là: Cần xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình; Quan tâm đến công tác bảo trì thiết bị cơ khí, hệ thống điều khiển nhằm kịp thời thay thế các thiết bị không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; Cần lập các trạm đo các thông số chất lượng nước cũng như đánh giá thường xuyên mức độ ô nhiễm chất lượng nước tại công trình; Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác kiểm tra, quan trắc đập; quan trắc khí tượng thủy văn, tính toán quá trình lũ,…để vận hành công trình thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du;...

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các phương án dự báo lũ lớn trong điều kiện không có đầy đủ thông tin về chế độ vận hành của các hồ chứa Trung Quốc; nghiên cứu, ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng phù hợp với nhu cầu và điều kiện dự báo khí tượng thủy văn thực tế.

Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng đề nghị sớm phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du cho các Công trình thủy điện của EVN nhất là các hồ Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng và Bản Chát, làm cơ sở để các Công ty triển khai xây dựng phương án ứng phó.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai căn cứ trên nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia về khả năng xuất hiện lũ muộn chủ động xem xét cho các hồ chứa tích nước sớm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Công ty thủy điện thực hiện tốt các quy định tại Nghị định về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước (Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chỉnh phủ) phục vụ vận hành an toàn và hiệu quả các công trình trên bậc thang sông Đà.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng mong muốn tổ chuyên gia tư vấn giúp Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về đảm bảo an toàn hồ chứa và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thuỷ điện trên bậc thang thủy điện sông Đà.

Theo đó, Viện Vật lý địa cầu đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, giai đoạn 2021-2023 "Nghiên cứu chi tiết mức độ hoạt động động đất của một số đứt gãy chính ở khu vực Tây Bắc Việt Nam và đánh giá, dự báo hiện tượng động đất cực đoan, phục vụ công tác vận hành an toàn các hồ đập trên bậc thang thủy điện Sông Đà ".