Các "ông bầu" rút vốn, V-league "xuống giá" thảm

"Bầu" Kiên bị bắt, "bầu" Hiển tuyên bố thoái vốn toàn bộ, rồi có tin BacAbank cũng định “thôi”… Không khí bất an đang bao trùm sân cỏ Việt Nam.


"Bầu" Kiên bị bắt, "bầu" Hiển tuyên bố thoái vốn toàn bộ, rồi có tin BacAbank cũng định “thôi”… Không khí bất an đang bao trùm sân cỏ Việt Nam.

V-League đang xuống giá trầm trọng. Ảnh minh họa.

Không chỉ CLB bóng đá Hà Nội “đứng ngồi không yên” vì chưa biết tương lại của mình sẽ ra sao sau khi bầu Kiên bị bắt, gần như đồng thời, cả  SHB-Đà Nẵng, Hà Nội-T&T và Sông Lam Nghệ An (SLNA) cũng dồn dập nhận tin dữ.

"Bầu" Hiển tuyên bố: “Với tư cách là chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T và chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, tôi sẽ kiến nghị và trình HĐQT phương án thoái toàn bộ vốn của Ngân hàng SHB (11%), Tập đoàn T&T (15%)  tại 2 công ty thể thao nói trên. Việc thoái vốn sẽ hoàn tất ngay trong tháng 9/2012”.

Trong khi đó, dù chưa thấy có phát ngôn chính thức, song một đại gia ngân hàng khác - Ngân hàng Bắc Á (BacAbank) - cũng đang có tin đồn không tiếp tục tài trợ cho đội bóng xứ Nghệ. Ông Nguyễn Hồng Thanh  - tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA  bày tỏ sự lo lắng: “Nếu BacAbank mà rút lui thì SLNA sẽ nguy to”.

Mối quan hệ giữa các ngân hàng với bóng đá Việt Nam vốn rất thân tình, nhưng với tình hình kinh tế kém khởi sắc, các ông bầu đang cho thấy những chỉ dấu rút khỏi sân chơi này. Đó là điều không may cho nền bóng đá kém chuyên nghiệp của Việt Nam.

"Bầu" Kiên được coi là người có máu mặt trong làng thế thao đã một mình làm nên một cuộc “cách mạng” cho bóng đá Việt Nam, khi kêu gọi các ông bầu dựng lên Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam- VPF. Nhưng cuộc “cách mạng” của ông đã bất thành khi ông dính vào vòng lao lý và CLB của ông bấp bênh. Có thể nói sự “ra đi” của bầu Kiên đã kéo theo sự “đổ vỡ” hệ thống của nhiều ông bầu CLB muốn buông tay khỏi bóng đá.

Nhiều cầu thủ than vãn là đã mấy tháng nay họ chưa nhận được lương thưởng. Chủ tịch CLB The Vissai Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường vừa phải lên báo trả lời về việc đội bóng sau khi kết thúc mùa giải vẫn nợ vài tháng lương của cầu thủ. Bầu Trường trước đó cũng không ít lần úp mở về khả năng rút khỏi bóng đá, dĩ nhiên, “vì những lý do không liên quan tới tài chính”.

Với chi phí hoạt động khoảng 80-100 tỷ đồng/năm, trong khi gần như không tự tạo được nguồn thu, các đội bóng lúc này bị ví như những chiếc “tàu há mồm”, khiến gánh nặng trên vai các doanh nghiệp mỗi lúc một trĩu xuống. Trong khi đó tình trạng “đi đêm”, mua bán trọng tài, tiêu cực, cầu thủ chơi ma túy, mại dâm... khiến cho các ông bầu càng thêm mệt mỏi với  “tình duyên” bóng đá. Nhưng hăng say của ngày hôm qua đã không còn.

Theo ông Hiển, mối liên hệ giữa Tập đoàn T&T và Hà Nội-T&T cũng như giữa Ngân hàng SHB với CLB SHB-Đà Nẵng chỉ là mối quan hệ giữa “đội bóng và nhà tài trợ”. Điều này được quy định trong hợp đồng được ký giữa các bên. “Trong bản hợp đồng đã ký, chúng tôi có quy định quyền lợi và trách nhiệm của các bên” - ngoài ra, đại diện pháp lý của Tập đoàn T&T còn cho biết thêm: “Nếu LĐBĐVN yêu cầu, chúng tôi sẽ công khai hợp đồng và báo cáo tài chính của CLB để chứng minh sự độc lập giữa các pháp nhân”.

Nhiều người nghi ngờ về tuyên bố này, vì thực chất những trận cầu đã nói lên điều họ nghi vấn. Nhưng vẫn đề lớn là tại sao khi hai đội bóng ông nắm giữ đang có thành tích rất tốt trong mùa bóng vừa rồi thì ông lại ra đi. Sự khó khăn về tài chính có lẽ là câu trả lời đúng nhất.

Theo giới thạo tin thì ông Hiển đã nhờ "bầu" Thắng của Gạch Đông Tâm-Long An kiếm doanh nghiệp nào đó sẵn lòng tiếp quản SHB-Đà Nẵng vì ông “đã quá mỏi mệt, nhưng vì niềm tin người hâm mộ và trách nhiệm với lãnh đạo nên không chưa dám phủi tay phũ phàng”.

Chúng ta có thể thấy là mức độ đầu tư của Hà Nội-T&T ở mùa giải vừa qua đã không còn mạnh như những năm trước đó. Không chỉ Hà Nội-T&T, những đội bóng nổi tiếng bạo chi trước kia như Hải Phòng, The Vissai-Ninh Bình, Sài Gòn-Xuân Thành… đều co lại. Thậm chí một "ông bầu" chịu chơi và có tiếng chơi ngông như "bầu" Thuỵ “quên” cả việc treo thưởng cho đội nhà Sài Gòn-Xuân Thành ở trận chung kết cúp Quốc gia. 

CLB NaviBank-Sài Gòn từ lâu đã bắn tiếng cho chuyển nhượng rất nhiều cầu thủ và tính bán luôn cho Đồng Tháp. Chỉ còn Eximbank đang gồng mình thực hiện nghĩa vụ tài trợ cho V-League thêm một năm nữa với hơn 30 tỉ đồng

Có thể nói, tình thế khó khăn đang bao trùm bóng đá Việt Nam. Ông Nguyễn Hồng Thanh, tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA cho biết: “Hợp đồng giữa Bắc Á với SLNA có thời hạn 3 năm. Do thời hạn của bản hợp đồng này đã hết nên các bên phải ngồi lại với nhau để tính chuyện tương lai. Chắc chắn, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Bắc Á, bà Thái Thu Hương sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Khi ấy, tương lai của mối quan hệ giữa Bắc Á và SLNA mới được quyết định”.

Khó khăn về tài chính nên việc thương thảo, gia hạn hợp đồng với một số cầu thủ trụ cột SLNA đang bị đình lại và chưa được phê duyệt  nằm chờ ý kiến từ lãnh đạo cấp cao.

"Làng bóng" đang loang ra tin đồn nhiều đội muốn V-League dừng thi đấu và yêu cầu VFF cần có báo cáo cụ thể tình hình lên Bộ VH-TT&DL, Chính phủ, từ đó có giải pháp cụ thể để đưa bóng đá thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay. 

Thương hiệu bóng đá Việt Nam mà VFF xây dựng lâu nay đang bị xuống cấp nghiêm trọng và rẻ rúng.  Trận đấu vào ngày  22/9 bất ngờ bị huỷ vào phút chót, Indonesia đã không thể sang Việt Nam thi đấu giao hữu, tiếp đó là đòn đánh bồi khi Singapore cũng từ chối sang thi đấu. 

Trường Lưu

Đọc thêm