Các tỉnh thành phía Nam đảm bảo nguồn cung ứng hàng Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, nguồn cung hàng hóa tại các tỉnh, thành phố phía Nam ổn định, dồi dào, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường cam kết không tăng giá trước, trong và sau Tết một tháng.
Tại các siêu thị đã tăng cường nhân viên để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Tại các siêu thị đã tăng cường nhân viên để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo ghi nhận của Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, tại TP HCM, tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì ổn định, đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân trong trạng thái bình thường mới.

Tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 91% (tăng 01 chợ so với ngày 24/12/2021). Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Từ ngày 20/12/2021 cả 3 chợ đầu mối ở Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đã mở cửa hoạt động trở lại sau khi xây dựng phương án phòng, chống dịch, người vào chợ không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19. Các chợ đầu mối hoạt động là nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm lớn cho các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố và cho các tỉnh.

Tổng lượng hàng đưa về cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố trong ngày 26/12 và sáng 27/12 tăng 4,4% so với trước, ước đạt 10.778,9 tấn/ngày. Trong đó, lượng hàng cung ứng qua hệ thống phân phối trong ngày 26/12 ước đạt 2.060 tấn/ngày.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường và doanh nghiệp khác cung ứng ra thị trường ước đạt 3.597,9 tấn/ngày (không bao gồm lượng hàng cung ứng vào hệ thống phân phối hiện đại).

Tại 03 chợ đầu mối, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong sáng ngày 27/12 tăng 3,6% so với ngày 26/12, ước đạt 5.121 tấn/đêm.

Hàng hóa bắt đầu được bày bán tại các siêu thị.

Hàng hóa bắt đầu được bày bán tại các siêu thị.

Theo Sở Công Thương TP HCM, năm nay thành phố chuẩn bị khoảng 19.800 tỷ đồng thực phẩm, hàng hóa cho nhu cầu mua sắm 2 tháng Tết. Trong đó, hàng bình ổn thị trường là trên 7.200 tỷ đồng.

Dù dự đoán sức mua giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn Thành phố vẫn tăng lượng hàng hóa đến hơn 50%, để tránh rủi ro khó vận chuyển và thích ứng với tình hình có dịch.

Tại thành phố Cần Thơ, 40/105 chợ đã được mở lại, tăng 2 chợ so với tuần trước. Các chợ mở lại có số lượng tiểu thương tham gia từ 30-70%, tất cả đều có tiêm ít nhất 1 mũi sau 14 ngày.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tình hình kinh tế có phần khó khăn nhưng lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết vẫn dồi dào và đa dạng, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Hiện có 9 siêu thị và 145 cửa hàng tiện ích đang hoạt động (lũy kế tạm ngưng 6 cửa hàng) cung ứng các loại hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân. Tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố trong ngày nhìn chung ổn định. Nguồn cung hàng hóa đa dạng, số lượng đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra hiện tượng tranh mua hàng hóa với số lượng lớn để dự trữ.

Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Co.opmart, Satra Food, Bách hóa xanh, Vinmart+… đã tăng cường nhân viên phục vụ, xây dựng các phương án kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, sức mua tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích ổn định.

Còn tại tỉnh An Giang, theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hiện nguồn hàng tại các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích khá dồi dào, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu người dân. Giá cả hàng hóa duy trì ổn định, ít biến động.

Để chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu của mua sắm người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, gây tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương An Giang xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán năm 2022, được thực hiện từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 7/2/2022.

Đến nay, có 23 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã đăng ký tham gia bình ổn thị trường với 451 điểm bán hàng đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán năm 2022. Dự kiến tổng số tiền dự trữ khoảng 1.342 tỷ đồng, tăng 2,4% so với kết quả thực hiện năm trước.