Thưa ông, những vấn đề sửa đổi của Luật Công chứng sẽ có lợi ích gì cho người dân và hoạt động công chứng?
Ông Chu Văn Khanh: Luật Công chứng đã được QH Khóa XIII thông qua, với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao. Điều đó thể hiện sự đánh giá rất cao của QH với Luật Công chứng lần này. Có ba lợi ích rất rõ rệt của Luật Công chức sửa đổi. Thứ nhất, Luật đã giải quyết được những vấn đề còn tồn tại, bất cập liên quan đến chất lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng. Thứ hai, Luật giải quyết được thực trạng đang đặt ra đối với nghề công chứng mà luật công chứng 2006 không đề cập đến. Thứ ba là nó rất phù hợp với xu thế hội nhập công chứng quốc tế, trong khi Việt Nam đã là thành viên 84 của Liên minh Công chứng thế giới vào tháng 10/2013.
Luật Công chứng cũng đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi cho công chứng viên trong quá trình hành nghề. Đặc biệt, Luật tạo điều kiện thúc đẩy cho hoạt động công chứng khi giao lại một số hoạt động cho ngành công chứng.
Từ khi luật được thông qua, qua tham khảo thực tế người dân đến với các tổ chức hành nghề công chứng, chúng tôi thấy họ đánh giá rất cao tư tưởng tiến bộ “vì dân” đã được ghi nhận trong Luật Công chứng 2014. Người dân thuận tiện rất nhiều trong các thủ tục liên quan đến công chứng, cũng như liên quan đến các thủ tục đăng ký, sang tên giao dịch đất và nhà và nhiều hoạt động giao dịch khách của người dân.
Ông có thể phân tích rõ hơn những lợi ích mà dân được hưởng từ Luật Công chứng sửa đổi?
Ông Chu Văn Khanh: Bên cạnh nhiệm vụ chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, Luật Công chứng (sửa đổi) giao lại cho công chứng viên quyền công chứng bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Bên cạnh đó, công chứng viên cũng được giao nhiệm vụ chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Những thay đổi này đã mang lại những lợi ích rất rõ rệt cho người dân. Bởi nếu như trước đây, người dân chỉ có thể thực hiện việc này ở UBND các cấp, Phòng Tư pháp quận huyện, thì nay họ có thể lựa chọn dịch vụ của các tổ chức hành nghề công chứng. Trong khi đó, số lượng các tổ chức hành nghề công chứng ở các thành phố lớn là rất nhiều đáp ứng rất tốt yêu cầu này của người dân.
Ngoài hai điểm mới này, Luật Công chứng cũng có những quy định nâng cao chất lượng công chứng viên, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Khi đó chất lượng văn bản công chứng, độ an toàn, tính pháp lý của giao dịch cũng được nâng lên. Giảm thiểu nhiều rủi ro có thể xảy ra cho người dân khi tham gia giao dịch.
Nói riêng về vấn đề công chứng bản dịch, có nhiều ý kiến cho rằng giao công chứng bản dịch cho công chứng viên là quá sức so với trình độ của họ?
Ông Chu Văn Khanh: Giới công chứng hiện nay có nhiều người quan ngại, rằng công chứng viên không thể nào kiểm soát hết được tất cả nội dung bản dịch, nên yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm với nội dung bản dịch là rất khó. Tuy nhiên, Ban soạn thảo Luật Công chứng sửa đổi cũng đã nghĩ đến điều này. Do đó, Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu công chứng bản dịch đó, còn người dịch phải có trách nhiệm với công chứng viên, với tổ chức hành nghề công chứng mà mình tham gia cộng tác dịch thuật.
Giữa hai bên phải có thỏa thuận về vấn đề trách nhiệm rõ ràng. Công chứng viên phải đứng ra bồi thường cho khách hàng, còn người dịch phải có trách nhiệm bồi hoàn cho công chứng viên. Trên cơ sở đó, vừa đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu về bản dịch, cũng như nâng cao trách nhiệm của công chứng viên, của người dịch đối với bản dịch đó.
Cũng cần nói thêm rằng thời gian vừa rồi, nhiều ý kiến đánh giá chất lượng bản dịch không được tốt. Chúng tôi rất hy vọng thời gian tới, các tổ chức hành nghề công chứng với quy trình chặt chẽ, với cơ chế chịu trách nhiệm cao của công chứng viên sẽ có những bước tiến mới liên quan đến chất lượng bản dịch.
Thưa ông, không thể phủ nhận thực tế, với sự phát triển quá mạnh của công chứng tư, đã nảy sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động công chứng. Theo ông, cần phải làm gì để hạn chế được tình trạng này?
Ông Chu Văn Khanh: Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, hoạt động công chứng cũng đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Nó làm giảm đi hình ảnh của nghề công chứng, khiến hoạt động công chứng thụt lùi, chứ không thể phát triển được. Đây là một trong những mục tiêu cần đẩy lùi để làm trong sạch môi trường công chứng.
Luật Công chứng sửa đổi đã có những quy định để nâng cao chất lượng của công chứng viên về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, ví như tăng thời gian đào tạo trong Học viện Tư pháp; Những trường hợp trước đây được miễn đào tạo, Luật Công chứng sửa đổi quy định vẫn bắt buộc phải tham gia một khóa bồi dưỡng. Đặc biệt, tất cả các trường hợp trước khi bổ nhiệm, phải vượt qua một kỳ thi quốc gia kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng, khi đạt kết quả rồi, mới đủ điều kiện để Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Khi đội ngũ công chứng viên được nâng cao về nghiệp vụ, chắc chắn chất lượng hoạt động công chứng cũng sẽ được nâng lên.
Bộ Tư pháp cũng đã ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Các hội công chứng địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng đã tổ chức những buổi quán triệt tinh thần của bộ quy tắc này. Nhưng thành thật mà nói, trên thực tế, việc xử lý hành vi của công chứng viên vi phạm quy tắc đạo đức chưa được thực hiện triệt để bởi Cơ quan quản lý Nhà nước và Hội nghề nghiệp quản lý hành nghề công chứng. Nguyên nhân là bởi Hội còn non trẻ, chưa có địa vị pháp lý rõ ràng để giám sát, thực thi, xử lý các công chứng viên có hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Được biết, Bộ Tư Pháp đang chủ trì xây dựng Nghị định thi hành Luật Công chứng, trong đó cũng đưa ra rất nhiều vấn đề, đặc biệt là nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên, nhiều khả năng sẽ giao cho tổ chức hội quyền ban hành quy tắc hành nghề công chứng, cũng như là giao cho Hội quyền kiểm soát việc tuân thủ quy tắc này và có những quy định liên quan để xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm.
Với những cơ sở như trên, tôi tin rằng trong thời gian tới, hoạt động công chứng sẽ loại bỏ được những "con sâu làm rầu nồi canh", xây dựng hình ảnh đẹp của công chứng viên.
Về chế định bắt buộc công chứng viên phải đóng bảo hiểm, theo ông, đó có phải là một "liệu pháp" an toàn, một sự bảo đảm của công chứng đối với người dân?
Ông Chu Văn Khanh: Hoạt động công chứng rất nhiều rủi ro, vì đối tượng tài sản có giá trị rất lớn, trong khi đó giấy tờ tài sản, giấy tờ nhân thân có hiện tượng làm giả rất nhiều, làm giả rất tinh vi. Công chứng viên cũng là người trần mắt thịt, cũng chỉ có thể phát hiện độ thật của nó đến đâu, chứ không thể xác định thật - giả đến 100%. Để xác định được, phải có kỹ thuật chuyên môn của công an, với phương tiện kỹ thuật hiện đại. Mặt khác, Luật Công chứng cũng quy định người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm đối với giấy tờ công chứng xuất trình cho công chứng viên. Bởi chỉ người đó mới có thể biết giấy tờ của mình là thật hay giả. Một rủi ro nữa của công chứng viên là việc tráo người giao dịch, thay vợ đổi chồng… rất tinh vi. Công chứng viên không thể có khả năng biết hết được tất cả. Do vậy, vấn đề bảo hiểm theo tôi là rất cần thiết.
Khi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia có nền công chứng phát triển trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Đức,.. chúng tôi thấy rằng vấn đề bảo hiểm là đương nhiên và bắt buộc, có giá trị rất lớn. Dó đó, xin khẳng định một lần nữa, việc bắt buộc mua bảo hiểm là quy định rất phù hợp với xu thế thế giới đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của Liên minh Công chứng thế giới.
Được biết, trong kế hoạch hành cộng của mình, Hội Công chứng sẽ tổ chức mua bảo hiểm chung, cụ thể việc bảo hiểm chung là thế nào, thưa ông?
Ông Chu Văn Khanh: Đúng là chúng tôi đã nghĩ tới vấn đề này. Nếu mua chung, nguyên tắc bảo hiểm là sẽ rẻ so với mua riêng, hay một văn phòng đứng ra mua. Việc mua chung cũng thể hiện sự tương hỗ cao cho công chứng viên. Bởi đặc thù của nghề này là phải gắn kết và chia sẻ với nhau. Trong trường hợp công chứng viên có lỗi và phải bồi thường, mà hợp đồng mà cá nhân của công chứng viên đó không đủ để thanh toán, thì quỹ chung của Hội sẽ đứng ra bù đắp. Nó thể hiện sự tương hỗ gắn kết rất cao, nâng cao ý thức trách nhiệm của công chứng viên.
Việc mua chung bảo hiểm cũng thể hiện được sự cam kết rất mạnh của nghề công chứng đối với xã hội. Điều đó chứng tỏ cho mọi người thấy rằng nếu có sự kiện phải bảo hiểm do lỗi của công chứng viên, chắc chắn sẽ được bồi thường đầy đủ.
Hiện nay, các hội công chứng địa phương đang đứng ra đàm phán với các hãng bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nước ngoài… Việc bồi thường có thể tiến hành ngay lập tức khi có sai xót, chứ không phải chờ đến khi tòa có quyết định.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!