Các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững

(PLO) -Báo cáo phát triển kinh tế- xã hội cho thấy bốn tháng đầu năm 2018, GDP đạt mức cao nhất 10 năm qua. Ủy ban kinh tế của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ song đưa ra đánh giá các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo KT-XH trước Quốc hội

Ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Theo đó, trong những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. 

Đáng chú ý tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực nông nghiệp; công nghiệp-xây dựng đều tăng cao hơn cùng kỳ.

“Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Trong 4 tháng có trên 41 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trên 11.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; tổng vốn đăng ký mới, bổ sung đạt trên 1,16 triệu tỷ đồng”, Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội. 

Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; quy mô GDP còn thấp, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài, xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm, dừng ở khâu gia công; kết quả cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng.

Báo cáo cũng đánh giá môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp. Sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, việc thu hút doanh nghiệp lớn chưa đem lại nhiều hiệu ứng lan tỏa.

Ủy ban kinh tế của Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục đánh giá đầy đủ về bài học, kinh nghiệm từ kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2017 trong bối cảnh các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp trong nước chưa thay đổi lớn, căn bản; phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần người dân từ kết quả tăng trưởng cao.

Đọc thêm