Nêu lên những đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) chỉ rõ, cuộc cách mạng này phát triển với tốc độ ở cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Nó có thể làm biến đổi nhanh chóng nền công nghiệp ở mọi quốc gia. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này tạo nên sự biến đổi trong toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Minh chứng dễ thấy nhất là, hiện hàng tỷ người đang được kết nối với nhau thông qua điện thoại di động, qua mạng xã hội. Các thế hệ máy tính hiện nay đang có một sức mạnh xử lý chưa từng có với dung lượng lưu trữ tăng lên đáng kể cho phép con người dễ dàng truy cập vào kho kiến thức không giới hạn. Những khả năng này được nhân lên nhờ những công nghệ đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, xe tự lái, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) vẫn chưa thực sự quan tâm, coi trọng. Dễ thấy nhất là việc đầu tư cho KHCN của Việt Nam mới đạt khoảng 1% GDP (bao gồm cả đầu tư từ ngân sách nhà nước và đầu tư toàn xã hội, doanh nghiệp). Trong khi đó, tại Trung Quốc là hơn 2,2% GDP, Hàn Quốc 4,5%. Chỉ rõ những hạn chế mang tính nền tảng của Việt Nam trong cuộc CMCN, Đại tá Lê Thế Mẫu nhận định: “CMCN có thể nói là rất mới đối với Việt Nam. Chúng ta thường chỉ nói nhiều về công nghiệp hóa, chưa hề trải qua cuộc CMCN nào. Thách thức trong cuộc CMCN là vô cùng lớn bởi chúng ta có xuất phát điểm thấp, cho đến nay chúng ta vẫn chưa hoàn toàn cơ khí hóa, điện khí hóa trong lĩnh vực nông, công nghiệp...”.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2015, tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam đã đạt 52% dân số. Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về thời gian sử dụng internet với 5,2 giờ mỗi ngày, đứng thứ 22 trên thế giới tính theo dân số về số người sử dụng mạng xã hội, 55% dân số đang sử dụng điện thoại di động… Đây cũng là cơ sở bước đầu để Việt Nam tham gia vào cuộc CMCN. Nói cách khác, dựa trên nền tảng này Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới để nhanh chóng rút ngắn khoảng cách phát triển.
Để công tác tư pháp nhanh chóng bắt nhịp với CMCN, Đại tá Lê Thế Mẫu nhận định, trước mắt cần tập trung rà soát lại các chủ trương, nghị định, nghị quyết… trùng lặp, thiếu hiệu quả. Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, phổ biến thông tin tới từng người dân thông qua mạng interet. Đẩy mạnh đào tạo các chuyên gia công nghệ thông tin từ lĩnh vực pháp lý.
Tại buổi tọa đàm TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý cũng chỉ rõ, hiện nhiều hoạt động liên quan đến công tác pháp lý vẫn mang tính thủ công cao. Do vậy, nếu KHCN thông tin được kết hợp với công tác pháp lý sẽ giúp nâng cao tính nhanh nhạy, tăng tính năng động của ngành. Đồng quan điểm trên, Đại tá Lê Thế Mẫu cho biết: “Có một thực tế là, các chuyên gia công nghệ thông tin không am hiểu nhiều về lĩnh vực pháp lý, các chuyên gia pháp lý lại không hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực ra, công nghệ thông tin chỉ là công cụ để thực hiện những nhiệm vụ chính trị xã hội nhất định. Người làm công nghệ thông tin muốn làm tốt công tác về pháp lý thì chuyên gia đó phải là người hoạt động trong lĩnh vực pháp lý. Nên tập trung đào tạo các chuyên gia về công nghệ đã từng qua môi trường luật. Có như vậy họ mới thực sự sản xuất ra được các chương trình, phần mềm phục vụ thiết thực cho công tác phổ biến pháp lý”.