Cách nào để đơn phương ly hôn sau hàng chục năm sống như vợ chồng?

Lấy nhau, sống cuộc sống vợ chồng 20 năm nhưng không đăng ký kết hôn. Bây giờ muốn đơn phương ly hôn phải làm thế nào?

Câu trả lời có tính tham khảo trên Cổng thông tin Bộ Tư pháp

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. Mặt khác, khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.

Đối với trường hợp trên, 2 người không tiến hành đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật Hôn nhân và gia đình, do đó, việc kết hôn đó không có giá trị pháp lý. Lúc này, hậu quả sẽ được giải quyết theo quy định đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.

Về việc thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, tại khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình”.

Căn cứ vào quy định trên, trong trường hợp một bên yêu cầu ly hôn thì Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết và tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người. Nếu người yêu cầu ly hôn có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì Tòa án sẽ giải quyết theo hướng:

- Quyền, nghĩa vụ giữa bố, mẹ và con cái được giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con (Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của mỗi bên được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập (Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Đọc thêm