Cách nào khơi thông dòng vốn vào logistics?

(PLVN) - Nằm trong top 10 của thị trường mới nổi cùng với nhiều lợi thế, Việt Nam đang như “thỏi nam châm” thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, logistics cũng đang kỳ vọng ngày càng có thêm nhiều dòng vốn ngoại.
Các doanh nghiệp liên quan logistics như vận tải, kho bãi cần liên kết chia sẻ thông tin ra thị trường.

Thị trường nhiều tiềm năng

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường logistics Việt Nam được cộng đồng quốc tế cũng như các doanh nghiệp đánh giá năng động và phát triển nhanh chóng, đặc biệt qua thử thách của 2 năm dịch bệnh vừa qua, với tốc độ tăng trưởng của xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước. Tốc độ tăng trưởng của ngành logistics ở Việt Nam hiện nay từ 12 -14%/năm và đóng góp khoảng 4 - 5% GDP.

Nghiên cứu trong năm 2021 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số năng lực hoạt động của ngành logistics tăng và đạt 3,34 điểm so với 3,27 điểm của năm 2018. Việt Nam cũng là nước được xếp hạng trong Top 10 của Chỉ số logistics của thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng cao ở mức 14 - 16% trong một năm.

Ông Kim Sam Mo, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, thị trường logistics của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đã tăng từ con số 37.000 năm 2017 lên 41.000 năm 2020 và đang tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, thông quan và phân phối giao nhận.

Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành trên cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam cũng đã tiếp nhận nhiều doanh nghiệp logistics nước ngoài tên tuổi tham gia đầu tư, hoạt động nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần có những chính sách hợp lý để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn này. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của một số doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, nhóm doanh nghiệp này kiến nghị Chính phủ Việt Nam nới lỏng hạn chế tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực, để có thể khơi thông hơn nữa dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp logistics nước ngoài vào ngành logistics Việt Nam.

Cần chuyển biến quyết liệt hơn

Ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong - nhận định, Việt Nam hiện như “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với vị trí thuận lợi cùng sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang, tạo động lực đưa Việt Nam dần trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực, trong đó có lĩnh vực logistics với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn vận tải lớn đã hiện diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hạ tầng logistics còn cần phải chuyển biến hơn nữa để vừa hút thêm vốn ngoại, vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tăng sức cạnh tranh.

Ông Kim Sam Mo cũng cho rằng, Việt Nam nên hình thành hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử. Trong đó, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp các doanh nghiệp khi tiếp nhận thông tin nhanh chóng, qua đó giúp việc xử lý nghiệp vụ tiết kiệm nhiều thời gian.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ xây dựng mạng lưới, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp logistics trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh việc cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng logistics cũ, cần chú trọng xây dựng phát triển hạ tầng logistics mới, nâng cao năng lực thực hiện các dịch vụ logistics, chính sách hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng lạnh đáp ứng nhu cầu của hàng hóa xuất nhập khẩu…

Ngoài ra, việc đồng bộ, thống nhất chi phí hậu cần, hạ tầng logistics cũng là vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp. Trên thực tế, chi phí dịch vụ hạ tầng không đồng bộ giữa các công ty vận tải biển có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính, sự do dự trong các hoạt động hậu cần của doanh nghiệp.

Theo đánh giá của ông Kim Sam Mo, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giảm áp lực cho các doanh nghiệp vận tải bằng cách giảm thuế môi trường. Tuy nhiên trong thời gian tới, ít nhất với dầu diesel sử dụng cho vận tải thương mại thì thuế tiêu thụ đặc biệc cần được điều chỉnh một cách linh hoạt hơn. Đồng thời cần cải thiện tình trạng tắc nghẽn trên các tuyến đường tại các địa phương và giảm phí bảo trì bảo dưỡng bằng cách tăng cường phát triển, sử dụng đường cao tốc cho vận tải thương mại.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định, hiện nay các giải pháp thúc đẩy ngành logistics cũng đang được thực hiện như: Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi; tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics… Do đó ông cho rằng, lĩnh vực này sẽ sớm thu hút được mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, thúc đẩy logistics phát triển đúng tầm, như kỳ vọng.

Đọc thêm