Thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư Việt Nam - Trung Quốc: Cần xử lý hiệu quả các tranh chấp!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ gia tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, việc giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả chính là thúc đẩy quan hệ thương mại - đầu tư một cách bền vững nhất…
Thảo luận tại Hội thảo. (ảnh:VIAC)
Thảo luận tại Hội thảo. (ảnh:VIAC)

Thương mại đầu tư tăng, không tránh khỏi tranh chấp

Tại Hội thảo "Trọng tài quốc tế: Thuận lợi hóa thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Việt Nam" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Ủy ban Trọng tài Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trung Quốc (CIETAC) phối hợp tổ chức ngày 8/5, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ, mặc dù thế giới đã và đang có nhiều biến động nhất là từ năm 2018 cho tới nay nhưng Trung Quốc và Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nhiều hoạt động thương mại và đầu tư song phương.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 30,5 tỷ USD, tăng 28,85% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 171,85 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 61,21 tỷ USD, tăng 5,6% so với năm 2022.

Về đầu tư, theo Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 3/2024, vốn đầu tư trực tiếp lũy kế của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 27,64 tỷ USD với tổng số 4.418 dự án đầu tư.

Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ năm 2022 đã và đang tác động lớn đến hợp tác, kết nối kinh tế khu vực nói chung, hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc nói riêng, tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp hai nước tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.

Tuy nhiên, đi cùng với sự tăng trưởng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa DN hai nước là rủi ro về tranh chấp thương mại.Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO & Hội Nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với số lượng giao dịch và tần suất giao dịch thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nhiều như những năm gần đây nên rủi ro xảy ra tranh chấp cao hơn các so với các giao dịch thương mại và đầu tư với các đối tác khác.

Theo ông Wang Chengjie, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký CIETAC những rủi ro về tranh chấp có thể đến từ sự khác biệt về hệ thống chính trị, pháp luật và ngôn ngữ.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC

Đại diện CIETAC lý giải, hiện nay, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam đã phát triển từ hình thức thương mại đơn giản lên mức độ hợp tác cao hơn với các chuỗi công nghiệp và các chuỗi cung ứng. Các giao dịch theo chuỗi có đặc điểm là nhiều người tham gia liên vùng và nhiều liên kết khác... nên dễ hình thành rủi ro từ hoạt động kinh doanh, thay đổi chính sách và các trường hợp bất khả kháng như thiên tai…

“Rủi ro có thể phát sinh theo từng thời điểm và ở mọi nơi trong các hợp tác kinh tế, thương mại. Nhưng bất kể loại rủi ro nào thì cuối cùng cũng có thể được quy thành rủi ro pháp lý”, ông Wang Chengjie nhấn mạnh.

Trọng tài thương mại, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu

Ông Phan Đức Hiếu (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trọng tài viên VIAC) nhấn mạnh, tranh chấp là điều không tránh khỏi, song vấn đề là tìm ra cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả nhất.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, để hỗ trợ cho thương mại và đầu tư song phương bền vững thì cần chú trọng tới việc hỗ trợ và hướng dẫn các Doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động phòng ngừa, quản lý rủi ro hợp đồng, xử lý hiệu quả các tranh chấp trong các giao dịch thương mại và các hoạt động đầu tư để thúc đẩy các giao thương và đầu tư giữa hai phía…

“Trọng tài thương mại quốc tế đã được công nhận rộng rãi trên thế giới là một phương thức hữu hiệu giúp giải quyết các giao dịch xuyên biên giới…” - Chủ tịch VIAC quả quyết.

Ông nhấn mạnh, trọng tài thương mại quốc tế là một cơ chế tư, lập nên bởi chính các DN, các nhà đầu tư để phục vụ các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch có bản chất hợp đồng. Trọng tài quốc tế có vai trò trung lập, thực hiện giải quyết tranh chấp thương mại không cần thông qua các thủ tục dân sự tại các tòa án quốc gia, thủ tục trọng tài thương mại có tính chất bảo mật, hiệu quả về thời gian và chi phí; có khả năng thi hành toàn cầu theo cơ chế của Công ước New York 1958.

Đồng tình với nhận định này, ông Wang Chengjie, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký CIETAC đã chia sẻ về những tình huống rủi ro trong các vụ tranh chấp tại cũng như trình bày về những ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Đại diện CIETAC cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với VIAC nhiều hơn nữa trong tương lai để có thể đóng góp cho nền kinh tế và xã hội cũng như đóng góp cho hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Quang cảnh Hội thảo. (ảnh:VIAC)

Quang cảnh Hội thảo. (ảnh:VIAC)

Những lưu ý nhằm phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp hiệu quả:

1) Tìm hiểu kỹ quy định pháp luật liên quan của nước nơi thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư;

2) Tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến đối tác trước khi giao kết hợp đồng, tiến hành hợp tác đầu tư; Thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin kinh doanh, đầu tư;

3) Rà soát, nghiên cứu kỹ các vấn đề pháp lý liên quan trong quá trình soạn thảo, giao kết và thực hiện hợp đồng (đặc biệt: xác định/ lựa chọn luật điều chỉnh đối với hợp đồng, hoạt động đầu tư; tính hợp pháp của hợp đồng/mô hình đầu tư; các vấn đề liên quan đến hình thức, thủ tục đầu tư, vấn đề về thanh toán; cơ chế giải quyết tranh chấp);

4) Cân nhắc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý;

5) Cân nhắc việc xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết tranh chấp (ví dụ, ban phân xử tranh chấp (DAB) trong các HĐXD), lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp;

6) Thiện chí, hợp tác trong việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải;

7) Lên kế hoạch, chiến lược hành động rõ ràng và kịp thời khi xảy ra tranh chấp để tránh bị động.

Đọc thêm