Hải Dương: Chú trọng đầu tư các khu công nghiệp tạo 'đòn bẩy' cho phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Hải Dương rất quan tâm, chú trọng trong việc đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN), thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước…
Khu công nghiệp An Phát được đánh giá là khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư hiệu quả nhất của tỉnh Hải Dương năm 2023.
Khu công nghiệp An Phát được đánh giá là khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư hiệu quả nhất của tỉnh Hải Dương năm 2023.

Thu hút đầu tư tăng vọt trong năm 2023

Với lợi thế nằm ở giữa trung tâm chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Dương đang khẳng định năng lực thu hút nguồn vốn lớn cả trong và ngoài nước vào các KCN trên địa bàn.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, trong năm 2023, Ban Quản lý đã thực hiện cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho khoảng 1,25 tỷ USD cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng hơn 927 triệu đô la Mỹ so với năm 2022 và gấp trên 6 lần kế hoạch năm. Trong đó, cấp mới 56 dự án có vốn đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD; điều chỉnh cho 32 lượt dự án có vốn FDI; tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm khoảng 234 triệu USD.

Không chỉ thu hút vốn đầu tư FDI là điểm sáng, thu hút DDI (vốn đầu tư trong nước) của tỉnh Hải Dương cũng tăng mạnh. Cũng trong năm 2023, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương đã cấp mới, điều chỉnh tăng vốn đầu tư, cho khoảng 6.085 tỷ đồng cho các dự án DDI, tăng hơn 40 lần so với kế hoạch năm. Trong đó, tỉnh Hải Dương đã cấp mới 10 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.965 tỷ đồng; điều chỉnh cho 6 lượt dự án DDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.120 tỷ đồng…

Hiện Hải Dương có 555 dự án có nguồn vốn FDI đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư hơn 10,4 tỷ USD. Tổng vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 8,8 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI thu hút hơn 230.000 lao động trực tiếp và nghìn lao động gián tiếp, góp phần ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn Hải Dương.

Một số dự án có vốn đầu tư lớn, dự án có công nghệ cao đầu tư vào các KCN ở Hải Dương trong năm 2023 có thể kể đến như: Dự án nhà máy sản xuất văn phòng phẩm của Công ty hữu hạn tập đoàn Deli (nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu đô la Mỹ tại KCN Đại An mở rộng. Dự án của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời BOVIET (nhà đầu tư Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 120 triệu đô la Mỹ tại KCN Cộng Hòa. Dự án của Biel Crystal (Singapore) Private Limited (nhà đầu tư Singapore), với tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu đô la Mỹ tại KCN An Phát 1. Dự án của Ce Link Limited (nhà đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc), với tổng vốn đầu tư đăng ký 60 triệu đô la Mỹ tại KCN An Phát 1. Và dự án của Perfect Light Co.,Ltd. (nhà đầu tư Seychelles), với tổng vốn đầu tư đăng ký 50 USD tại KCN Cộng Hòa.

Tính đến hết năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu hút được 363 dự án đầu tư thứ cấp (gồm 287 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng, lãnh thổ) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,99 USD và 76 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 12.078 tỷ đồng. Đến nay, đã có khoảng 288/363 dự án thứ cấp trong KCN đã triển khai đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (đạt tỷ lệ khoảng trên 79% tổng số dự án thứ cấp trong KCN).

Các KCN ở Hải Dương đã thu hút trên 10 vạn lao động trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập trung bình trên 7 - 9 triệu đồng/tháng/người. Các dự án đi vào hoạt động đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đặc biệt, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã tạo sức kéo, điều kiện tốt, dẫn dắt cho các dự án có vốn đầu tư trong nước tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại, góp phần không nhỏ vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực về chất lượng; là một trong các nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…

Đón làn sóng thu hút đầu tư mới

Thời điểm năm 2003, tỉnh Hải Dương thành lập các KCN đầu tiên gồm: KCN Đại An, Nam Sách và Phúc Điền với tổng diện tích trên 320ha. Từ đây đã mở ra hướng đi mới trong đầu tư phát triển kinh tế về hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp tập trung của địa phương.

Sau 20 năm hoạt động, từ ba KCN ban đầu, đến nay Hải Dương hiện có 17 KCN được thành lập. Trong đó, 12 khu đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh với tổng diện tích quy hoạch là 1.650ha. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của 17 KCN đã thành lập đạt khoảng 54,2%.

Khu công nghiệp Đại An là một trong 3 khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoạt động rất hiệu quả.

Khu công nghiệp Đại An là một trong 3 khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh Hải Dương hoạt động rất hiệu quả.

Nhằm tận dụng nguồn vốn FDI đang dịch chuyển mạnh mẽ vào Việt Nam. Hiện tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đất cho các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với 6 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng hơn 1.100ha gồm: An Phát 1 (180ha), Phúc Điền mở rộng (gần 236ha), Gia Lộc giai đoạn 2 (gần198ha), Tân Trường mở rộng (hơn 112ha), Kim Thành (165ha) và giai đoạn 2 của KCN Đại An mở rộng (gần 236ha); tiến hành công tác giải phóng mặt bằng đối với KCN Lương Điền - Ngọc Liên (gần 150ha).

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hải Dương nhận định, trong thời gian tới, khi các KCN trên hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, tiếp nhận các dự án đầu tư mới sẽ là cơ sở cho việc đón dòng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư, thu hút một lượng lớn các dự án đầu tư mới sẽ “đổ” về Hải Dương.

Đọc thêm