Thống kê của Cục CSGT cho thấy, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong bốn tháng đầu năm 2019, CSGT đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Nhấn mạnh lực lượng CSGT đã cương quyết xử lý các vi phạm giao thông liên quan đến rượu bia cũng chỉ là phần ngọn, theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật. Chúng ta cần một môi trường pháp lý chặt chẽ, có sự ràng buộc rõ ràng để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý giấy phép lái xe… là không muốn, không dám vi phạm.
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, phạt tiền rất cao, khiến nhiều người e ngại. Mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Với mức xử lý đó nhiều người đã rất lo ngại.
Tuy nhiên, bà Hiền đặt ra sự băn khoăn khi mức xử phạt đó đã đủ để răn đe hay chưa thì cần nghiên cứu thêm bởi thực tế có rất nhiều đề xuất xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng.
Tại nhiều quốc gia, hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt 20 năm tù. Do đó, Tổng cục Đường bộ sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung.
Được biết, tháng 6/2019, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, trong đó nhóm hành vi liên quan đến nồng độ cồn sẽ tăng mức xử phạt lên 20-30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 24 tháng thay vì phạt tiền 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 4-6 tháng như hiện nay.