Cải cách chính sách thị trường lúa gạo: Nông dân “đứng” ở đâu?

(PLO) - Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), một số chính sách của ngành lúa gạo như: thu mua tạm trữ, xây dựng kho dự trữ, chính sách quy định điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo… được thiết kế chỉ mới hướng tới giải quyết  lợi ích trực tiếp của một chủ thể mà chưa tính toán đến lợi ích toàn cục của ngành này.  
Người nông dân làm ra hạt lúa chưa được hưởng lợi từ những chính sách lớn của ngành.
Không rõ ràng
Theo Viện VEPR, chính sách thu mua tạm trữ được thực hiện song hành với chính sách đảm bảo người nông dân có lãi ít nhất 30%. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này không thực sự rõ ràng, thậm chí người nông dân không được hưởng lợi trực tiếp. 
Một nghiên cứu của Viện VEPR chỉ ra, khác với các chính sách thu mua tạm trữ của Thái Lan và Ấn Độ, nơi các doanh nghiệp nhà nước thu mua lúa ở mức giá tối thiểu trực tiếp từ nông dân, ở Việt Nam các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ từ thương lái. Vì thế, chính sách chỉ mang lại lợi ích gián tiếp cho người nông dân nếu như giá lúa gạo tăng trở lại. 
Ngoài ra, trợ cấp dưới hình thức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ trong khoảng thời gian 3 tháng thực chất là trợ cấp miễn phí chi phí lưu kho cho doanh nghiệp (bởi bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào cũng phải lưu kho một lượng gạo nhất định). Thêm nữa, doanh nghiệp lại có lựa chọn là có thể bán luôn cả phần lưu kho trong quỹ dự trữ và chấp nhận không hưởng lãi suất. 
TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia của Viện VEPR cho rằng, với chính sách này, lượng lúa thu mua gia tăng thêm từ chính sách dữ trự, thực chất không nhiều. Giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Và đó chính là lý do tại sao trong bốn lần thu mua tạm trữ từ năm 2009 đến năm 2012 thì có đến 2 lần thất bại, giá lúa thu mua tiếp tục giảm thay vì tăng trở lại. 
Để chính sách thu mua tạm trữ mang lại lợi ích cho nông dân, ông Thành đề nghị Chính phủ, thông qua hệ thống kho trữ lúa gạo của các công ty lương thực nhà nước cần thu mua lúa tạm trữ trực tiếp từ nông dân khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa sàn do Ủy ban Lúa gạo công bố. 
“Trong trường hợp hệ thống kho trữ lúa gạo của các công ty lương thực nhà nước chưa sẵn sàng đảm nhận chức năng này, Nhà nước nên cho phép các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vay tiền theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho các nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại thì họ sẽ bán lúa và trả tiền tạm ứng của Nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất cho HTX nông nghiệp”- TS. Thành khuyến nghị.    
Lợi cho lực lượng thu gom
Ngày 4/11/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo đó, thương nhân Việt thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ các điều kiện và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. 
Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải đảm bảo ít nhất hai điều kiện cần: Một, có ít nhất 1 kho chuyên dùng dự trữ tối thiểu 5000 tấn lúa. Hai, sở hữu ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ tại tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển xuất khẩu thóc, gạo. 
Theo chuyên gia Thành, mục tiêu của chính sách này là giảm bớt các đầu mối xuất khẩu (mà nhiều doanh nghiệp chỉ thuần túy môi giới) nhằm tránh hiện tượng tranh mua, tranh bán. Hệ quả của chính sách này là tập trung xuất khẩu vào một số doanh nghiệp lớn, loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ vì khó đáp ứng được hai điều kiện trên. Tuy nhiên, chính sách này không đạt được mục tiêu liên kết nhà xuất khẩu với nông dân. Vô hình trung tạo ra thêm một tầng lớp giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Đó là các doanh nghiệp thu gom cho các doanh nghiệp xuất khẩu. 
Ngoài ra, cũng theo ông Thành, việc tập trung xuất khẩu vào một số ít doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp lớn này có xu hướng tìm các thị trường xuất khẩu các lô lớn các loại gạo chất lượng thấp với giá rẻ thay vì tìm kiếm xuất khẩu tại các thị trường các loại gạo có chất lượng cao, với giá bán cao hơn.
“Chính sách này cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ có liên kết với nông dân để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, đặc sản địa phương, có thị trường đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và tính cạnh tranh cao, nhưng lại không thể trực tiếp xuất khẩu do không đủ điều kiện về khó chứa, hệ thống xay xát, chủ yếu vì quy mô không cho phép sỡ hữu các công đoạn đó”- TS. Thành nêu vấn đề. 
Đại diện Viện VEPR khuyến nghị Chính phủ cần phải đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa Vinafood và các công ty thành viên, công ty lương thực nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp này, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp. Tổ chức lại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để đảm bảo hiệp hội phải có đại diện đầy đủ của doanh nghiệp tư nhân, chính quyền địa phương và nông dân trong thương mại lúa gạo./.

Đọc thêm