Còn chậm loại bỏ phiền hà, tốn kém
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nội vụ, đánh giá cao kết quả cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức (CCHC, CCCĐCV, CC) năm 2014 được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, Thủ tướng cho rằng so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Thủ tướng cho biết, thực tế vẫn còn rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém, chưa được rà soát để sửa đổi, bãi bỏ hoặc sửa nhưng còn rất chậm. Bên cạnh đó, một số cấp, ngành nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc; nhiều cơ quan, tổ chức trùng dẫm, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp.
Tất cả những hạn chế này đang làm cản trở nỗ lực cải cách, đang làm chậm đi sự phát triển của đất nước. “Tôi, người đứng đầu Chính phủ hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này” - Thủ tướng phát biểu.
Cải cách phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu
Với mục tiêu CCHC là để phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu năm 2015 các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai công tác CCHC, CCCĐCV, CC, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đồng thời phải tạo được chuyển biến rõ rệt, cụ thể, đo đếm được và được xã hội công nhận.
“Chúng ta không được phép thỏa mãn hay dừng lại vì so với yêu cầu thì còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tôi tin là chúng ta hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nữa, cải thiện tốt hơn nữa nếu thực sự trách nhiệm, ý chí, quyết tâm, nhất là người đứng đầu.” - Thủ tướng yêu cầu.
Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước coi CCHC, cải cách thể chế là khâu đột phá thì cần phải xây dựng các chương trình, kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể và nghiêm túc triển khai; thực hiện có kết quả trên thực tế. Bên cạnh đó, phải thực hiện kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn và bố trí cán bộ tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, luật pháp, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường để tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng cho nền kinh tế vận hành hiệu quả, theo đúng quy luật, nguyên tắc thị trường, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.
Thủ tướng lưu ý việc rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, luật pháp trước hết phải tuân thủ tinh thần Hiến pháp 2013 trong bảo đảm quyền tự do, kinh doanh của người dân, quyền dân chủ về kinh tế; mặt khác, thể chế được ban hành phải bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính khả thi, khắc phục tình trạng ban hành chậm và không ngừng cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn luôn phát triển, luôn thay đổi.
Thủ tướng yêu cầu trong CCHC, các cấp, các ngành cần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, cấp phép xây dựng, thành lập doanh nghiệp,…
“Phải rà soát để sửa đổi, bãi bỏ theo tinh thần tạo thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, dễ dàng nhất cho người dân và doanh nghiệp, không nói chung chung nữa” - Thủ tướng yêu cầu; đồng thời cho rằng với tinh thần Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ, các cơ quan hành chính phải tạo thuận lợi cho dân và nhận phần khó về mình, đồng thời thông thoáng nhưng vẫn phải quản lý tốt, không buông lỏng quản lý nhà nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính; nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để trên cơ sở đó xây dựng vị trí việc làm, chức danh, tiêu chuẩn cũng như tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh và không chậm trễ việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, hiện đại hóa nền hành chính.
“Phải phấn đấu việc giải quyết toàn bộ thủ tục hành chính cũng như cung cấp các dịch vụ công được thực hiện qua mạng, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.