Nợ ban hành văn bản pháp luật chuyển biến tích cực
Báo cáo kết quả tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng năm 2019 của Ban Chỉ đạo, Phó trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, tình hình nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có chuyển biến tích cực (các bộ, ngành còn nợ 4 văn bản so với 10 văn bản năm 2016).
Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nhằm đánh giá một số hạn chế, bất cập trong thi hành luật để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về công tác xây dựng pháp luật.
Về sắp xếp lại và kiện toàn tổ chức bộ máy ở các bộ, ngành, địa phương được đẩy mạnh: Bộ Công an đã sắp xếp, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng; Bộ Tài chính ban hành quyết định giải thể 43 phòng giao dịch của Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, sắp xếp lại, cắt giảm 18 chi cục thuế và 110 đội thuế, ngành hải quan đã cắt giảm 239 đội (tổ) thuộc chi cục hải quan; Bộ Nội vụ giảm 14 đơn vị cấp phòng thuộc Vụ và tương đương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Các bộ đã ban hành được 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh (54,5%), đạt 108,1% vượt 8,1% so với chỉ tiêu giao...
Trong công tác hiện đại hóa hành chính, đến nay đã có 18 bộ, ngành và 54 địa phương đã xây dựng Trung tâm dữ liệu, trang thiết bị bảo đảm an toàn thông tin ở các quy mô khác nhau; có 16/19 bộ, cơ quan và 57/63 tỉnh, thành phố ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến ở bộ, ngành đạt khoảng 33,41%, ở địa phương đạt 10,78%. Một số nơi có nhiều hồ sơ trực tuyến mức 3 và mức 4 là: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính, thành phố Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng.
“Tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, các ngành, các địa phương đối với kết quả tích cực về cải cách hành chính trong năm 2018.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế một cách khách quan, thẳng thắn chỉ ra những việc cần hoàn thiện trong năm nay như: Việc triển khai nhiều nội dung cải cách còn chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”; thủ tục hành chính trong một số nơi còn rườm rà gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tiêu chí xem xét thủ tục hành chính còn mơ hồ.
Thủ tướng cũng chỉ ra một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ (nhất là bộ phận tiếp xúc với người dân) còn bất cập, chưa thuyết phục. Một số cơ quan thực hiện tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đối thoại, tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết, tình trạng “tham nhũng vặt” gây phiền hà cho người dân ở cơ quan hành chính và một số đơn vị công lập còn xảy ra...
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong một số khu vực còn hạn chế, chồng chéo, chậm sửa đổi: “Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, hơn 18 nghìn văn bản trình trong thời gian qua mà có gần 400 văn bản ban hành trái nội dung, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng”, Thủ tướng dẫn thực tế và yêu cầu Bộ Tư pháp cần rà soát bộ, ngành, địa phương nào ban hành sai để chấn chỉnh, khắc phục sớm.
Cùng với đó, Vụ Pháp chế những bộ đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng. “Một nước pháp quyền XHCN không được để có tình trạng này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Định hướng và yêu cầu trong năm 2019 Thủ tướng cho biết, phương châm của Chính phủ năm nay có 12 chữ. Nhưng Thủ tướng giao nhiệm vụ “bứt phá, hiệu quả” lên hàng đầu cho Ban Chỉ đạo để nền hành chính phục vụ nhân dân phải được quán triệt tại mọi cơ quan, mọi cấp hành chính, kể các các đơn vị sự nghiệp công.
Thủ tướng giao nhiệm vụ lớn cho Ban Chỉ đạo cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo tốt trong năm 2019. Trong đó yêu cầu các bộ, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật không được phát sinh nợ đọng hay sai về pháp luật. “Bộ Tư pháp cần sớm hoàn thiện bổ sung một số điều Luật Ban hành văn bản pháp luật 2015 và nhanh chóng hoàn thiện bộ tiêu chí để theo dõi, đánh giá mức độ hiệu quả thực thi pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các ngành đều có phương án đơn giản cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành khắc phục tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”.
Các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức tốt việc tiếp nhận các hồ sơ hành chính thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đặc biệt cần chú trọng nâng cao chất lượng 1 cửa, 1 cửa liên thông. Đồng thời đổi mới kiện toàn, sắp xếp các cơ quan hành chính theo tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...