Cải cách môi trường kinh doanh: Đang nặng tính “trình diễn”

(PLVN) - Báo cáo Chính phủ về thành tích cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) kiểm tra chuyên ngành (KTCN), song các chuyên gia của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TW (CIEM) đã chỉ ra rằng đây chỉ là động tác “trình diễn” của các Bộ quản lý bởi ĐKKD, KTCN không hề mất đi, thậm chí còn tăng lên rất nhiều so với trước. Không những thế, các Bộ còn lợi dụng việc rà soát, cắt giảm để “chia phần” quản lý, gây khó cho DN…
 Quang cảnh Hội thảo của CIEM
Quang cảnh Hội thảo của CIEM

Nằm trong khuôn khổ Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), hôm nay, 28/10, CIEM và NBN Media phồi hơp tổ chức hội thảo: " Môi trường kinh doanh 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách".

Cải cách đang chững lại

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh (MTKD) và Năng lực cạnh tranh (NLCT) (CIEM), giai đoạn 2016- 2019, MTKD của Việt Nam được cải cách tích cực nhất là vào năm 2017 khi những cải cách trước đó diễn ra từ tháng 6/2016- tháng 6/2017.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, tuy điểm số được cải thiện nhưng chậm, thứ hạng mỗi năm giảm 1 bậc. Nếu như năm 2017 có 5 chỉ số được ghi nhận cải cách thì năm 2018 chỉ có 3 chỉ số và năm 2019 chỉ có 2 chỉ số được cải cách (nộp thuế và tiếp cận tìn dụng).

Báo cáo MTKD vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam đã giảm 1 bậc, từ vị trí 69 xuống 70, tuy điểm số có tăng thêm 1,2 điểm. 

Về NLCT theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm nay tuy Việt Nam tăng hạng 10 bậc (tăng 3,5 điểm), nhưng vẫn có 8/12 trụ cột có thứ hạng thấp và rất thấp…

“Cải cách của chúng ta đang có xu hướng chậm lại, trong khi nhiều nước cải cách rất mạnh. Nhiều khi tôi nghĩ chúng ta xuống hạng cũng là đương nhiên..”- Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Thụt lùi? 

Theo Trưởng ban MTKD và NLCT, bà  Nguyễn Minh Thảo, mặc dù có nhiều cải cách được ghi nhận nhưng MTKD của chúng ta  đang còn nhiều rào cản, trong đó trở ngại lớn nhất vẫn là ĐKKD. Đáng ngại hơn, có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự “chia phần” quản lý giữa các bộ, ngành, gây khó khăn hơn cho DN. Thậm chí có tình trạng một số bộ, ngành “lợi dụng” yêu cầu về minh bạch về chế độ quản lý đối với các mặt hàng để mở rộng thêm đối tượng quản lý. 

Đơn cử như hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Nếu trước đây chỉ cần xin cấp phép tại 1 đầu mối là Bộ LĐTBXH thì theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP phải xin giấy phép của 9 Bộ với cùng một nội dung công việc. Đáng nói, trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu,… về kiểm định an toàn lao động giống nhau, nhưng các Bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. DN phải trả chi phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/người, chưa kể chí phí không chính thức.

Tương tự, cùng là thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn, nhưng nếu là cần trục tháp thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng; các loại cần trục còn lại thuộc Bộ LĐTB&XH,  khi các thiết bị dùng trong cảng hàng không, cảng thủy, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt… thì lại thuộc thẩm quyền Bộ GTVT. Hay như trong quản lý nồi hơi và máy điều hòa nhiệt độ cũng có sự “chia phần” quản lý giữa các Bộ (Bộ LĐ TB&XH quản lý nồi hơi có công suất không quá 16 bar và máy điều hòa nhiệt độ có công suất lớn hơn 90.000 BTU, còn Bộ Công Thương quản lý nồi hơi có áp suất lớn hơn 16 bar, Bộ KH&CN quản lý máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU…) 

Đặc biệt, trong lĩnh vực KTCN, có những văn bản mới được ban hành nhưng đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Đơn cử, trước đây, Bộ LĐTBXH không thực hiện quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ yêu cầu các Bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, KTCN và minh bạch hoá chế độ quản lý đổi với danh mục các mặt hàng phải quản lý, KTCN thì Bộ LĐTB&XH “dường như khai thác cơ hội này”- lời bà Thảo- ban hành Thông tư 22/2018/TT-BLĐTB&XH quy định về danh mục hàng hoá nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hoá thuộc diện KTCN.

“Bộ Công thương cũng ban hành Quyết định 765/QĐ-BCT công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm KTCN thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, trong đó, hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may được liệt kê trong danh mục. Tuy nhiên, nội dung trong Quyết định này chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan, mà chuyển sang kiểm tra sau thông quan. Có hay không bệnh thành tích? Số liệu báo cáo sẽ là hàng trăm mặt hàng KTCN được cắt bỏ...”- Bà Thảo phản ánh.

Cũng báo cáo là cắt giảm KTCN, nhưng trước đây, Bộ KHCN yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với Dây điện bọc nhựa PVC thì nay yêu cầu Dây và cáp điện. “Như vậy, phạm vi mặt hàng mở rộng hơn rất nhiều…”- Trưởng ban Ban MTKD và NLCT lo ngại.

“Các Bộ rất thông minh, vừa mang tiếng cải cách, vừa tăng phạm vị quản lý nhà nước của Bộ mình. Quả thật làm DN Việt Nam rất khổ!”- Nguyên Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ.."

Đọc thêm