Giám định viên pháp y nói gì?
Tiếp tục làm rõ những góc khuất xung quanh cái chết đột ngột của Vắn Thát Sến (SN 1998, ngụ ấp Tân Xuân, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) như bài viết Cái chết của đứa trẻ nghèo sau hai trận hành hung vô cớ, đã nêu, PLVN tìm đến những cơ quan chức năng để làm rõ những vấn đề chưa được giải thích trong khám nghiệm tử thi.
Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Văn Kỳ, Giám định pháp y Bộ Quốc phòng, Trưởng Khoa Giải phẫu bệnh lý Pháp y Bệnh viện Quân y 175, người thực hiện xét nghiệm vi thể cho Sến, giải thích: “Khi có trường hợp chết chưa rõ nguyên nhân thì cơ quan pháp y sẽ tiến hành công việc khám nghiệm pháp y. Trong khám nghiệm pháp y, sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi. Ngoài việc khám nghiệm tử thi thì ghi nhận thương tích trên tử thi. Lúc này cơ quan chức năng sẽ làm các xét nghiệm liên quan để đi đến kết luận pháp y. Trong những xét nghiệm phụ trợ để đưa ra kết luận, có xét nghiệm vi thể (bây giờ gọi là xét nghiệm mô bệnh học - PV)”.
“Trong trường hợp chết vì bệnh lý thì xét nghiệm vi thể đóng vai trò rất quan trọng trong kết luận của pháp y. Bởi vì trên đại thể hay khám nghiệm tử thi thì thường không nhìn rõ bệnh lý được, mà người ta phải dựa vào vi thể để kết luận”.
Theo BS Kỳ, trường hợp của Sến, bệnh chính trên tổn thương vi thể là bệnh về tim, mà cụ thể là bệnh viêm cơ tim cấp. Ông Kỳ cho rằng đây là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho Sến. Các tổn thương phụ trợ ở gan, phổi, não, thận như phù nề sung huyết (chứ không phải “xung huyết” – PV) rải rác, không phải nguyên nhân trực tiếp gây tử vong.
Một bản làm chứng của Vắn Ngọc Thành về việc Sến bị ông Sơn đánh |
“Khi bị viêm cơ tim cấp thì bệnh sẽ gây ra hàng loạt những cái rối loạn khác mà trong đó có cái tổn thương thường gặp nhất trong vi thể là phù nề sung huyết, xuất huyết các tạng khác”, lời BS Kỳ.
“Trong trường hợp này thì có thể loại bỏ hoàn toàn các tổn thương do ngoại lực tác động. Bởi vì khi tổn thương do ngoại lực tác động thì phải có các yếu tố như: Thứ nhất, khi khám nghiệm tử thi thường phải có dấu vết bên ngoài. Ví dụ như chấn thương sọ não do tai nạn, đánh nhau thì thường thường để lại vết bầm và tụ máu. Thứ hai, khi các mẫu xét nghiệm vi thể phải có mẫu tương thích. Nghĩa là cơ quan chức năng phải cung cấp mẫu đó. Ví dụ, thấy có bầm nhưng nhìn đại thể chưa biết bầm máu hay không thì lúc đó nhờ xét nghiệm vi thể để trả lời. Nhưng chúng tôi không nhận được những mẫu đó từ cơ quan pháp y Đồng Nai”.
“Chúng tôi chỉ đọc những mẫu được cung cấp. Ngoài ra, các mẫu bệnh phẩm gồm não, phổi, gan, thận có phù nề sung huyết, xuất huyết rải rác là tổn thương thường gặp trong bệnh lý viêm cơ tim và nhiều bệnh lý khác”, BS Kỳ nói.
BS Kỳ nói rằng tổn thương vi thể của Sến không thấy tác động của ngoại lực. Có tác động ngoại lực hay không là cơ quan giám định kết luận cuối cùng.
Con chết, cha chết, oán hận ngút trời
Vợ chồng bà Múi là người Hoa có 6 người con, 3 trai, 3 gái, Sến là con trai út. Quanh nhà Sến, tập trung mười mấy hộ người Hoa nhưng đa phần nghèo khó, làm thuê, làm mướn và hiền lành lại ít biết chữ nghĩa, pháp luật. Trước đây, nhà thuộc hộ nghèo của xã Bảo Bình. Bà Múi nói: “Sau đó người ta nói nhà này con cái lớn, đi làm được nên cho thoát nghèo. Người ta khai vậy chứ chính quyền không có xuống tới nhà. Nếu mà chính quyền xuống, thấy cái nhà rách thế này thì hộ nghèo là xứng đáng. Con đông, chữ nghĩa không biết bao nhiêu. Đi làm vậy thôi. Chứ muốn đi làm công ty phải có bằng lớp 12 mới làm được. Bởi vậy mình hay khuyên Sến, phải ráng học sau này đỡ khổ”.
Thông báo không khởi tố vụ án hình sự đối với cái chết của Vắn Thát Sến |
Cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ đồng hồ là chừng đó thời gian bà Múi khóc, nước mắt chảy dài khi nhớ đến con trai, nhắc đến hoàn cảnh gia đình. Nghèo đến mức cái nhà gỗ xập xệ lúc Sến còn sống không có đủ tiền sang sửa. Mãi đến lúc Sến chết, cái chết đó kéo theo nhiều tình thương, người ta ủng hộ được 90 triệu đồng. Tang ma cho con xong, còn một ít, bà Múi vay mượn thêm mới cất được căn nhà gạch gọi là “chắc chắn”. Nhưng phải vay thêm đến nay còn nợ ngân hàng.
Con chết. Chưa đầy một năm sau chồng cũng chết. Bà Múi khóc: “Công an có gọi lên hỏi hai ba lần gì đó, hỏi thế thôi rồi bảo về. Ông Sơn trốn đi đâu đó một thời gian rồi lại về nhà sống nhởn nhơ. Con chết được một tháng, chồng mình buồn, ảnh ở nhà. Ảnh đi chơi, bạn bè nói mấy câu: “Con mày chết mà không làm được cái gì. Mày làm cha làm cái gì. Vô dụng”, vậy là ngày nào ảnh cũng buồn. Ảnh ôm hình con, ảnh khóc. Ảnh không nhậu, không ăn cơm, không gì hết. Tối ngày ảnh cứ khóc như vậy. Nước mắt lúc nào cũng chảy ra, không làm cái gì được hết. Ngày nào cũng buồn nên sinh ra bệnh. Con chết được một năm thì ảnh chết”.
Rồi như tự trách bản thân, bà Múi quay mặt vào tường, không nhìn khách, cúi đầu nói: “Mình nghĩ cũng buồn. Con như vậy mà mình không làm được cái gì”.
“Yêu cầu bây giờ của mình là trả lại sự công bằng cho con mình thôi. Phải điều tra rõ ràng. Con mình không có bệnh. Mà nếu có bệnh, thì cũng do ông Mai Thanh Sơn đánh, mới phát bệnh nên rồi chết. Làm sao lại có chuyện làm chết người rồi nhởn nhơ được. Oan ức quá”.
Cơn mưa chiều ầm ập kéo xuống vẫn không át được tiếng người mẹ mất con phẫn nộ: “Ai đánh con mình chết thì phải đi tù, phải trả giá. Bao nhiêu năm rồi, có người nói: “Kệ bỏ đi, có ngày kẻ ác cũng bị quả báo”. Nhưng mình tin vào luật pháp chứ “quả báo” biết khi nào mới tới. Mình nghĩ luật pháp phải đến từ Hà Nội”, bà Múi nói.
Cơn mưa chiều đổ ầm ầm không ngớt, con đường đất sình lầy như ngăn bước, như níu chân khách lạ rời nhà. Sến bị đánh chết như lời bà Múi tố cáo, hay thật sự do bệnh lý viêm cơ tim cấp? Chẳng lẽ lại có sự trùng hợp đến kỳ lạ, lúc bị hành hung cũng là lúc đồng thời căn bệnh “trên trời rớt xuống” ập tới? hai trận đòn dã man của người bị tố cáo trút xuống người cậu bé có phải chính là nguyên nhân dẫn đến việc Sến phát bệnh đột tử hay không? Nếu như vậy, ít nhất thủ phạm phải chịu tội “cố ý gây thương tích”, chứ sao lại có thể nhởn nhơ lọt lưới pháp luật?
Bà Múi cho hay mộ con bà vẫn còn đó không cải táng. Bà nói dù cơ quan điều tra nay có quật mồ giám định lại, bà cũng chấp nhận. Nỗi oán hận của bà có nguôi ngoai hay không, cần sự vào cuộc trở lại của cơ quan điều tra. Nếu có tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Không có thì phải giải thích minh bạch để bà hết suy nghĩ suy nghĩ “vì gia đình mình yếu thế, “thân cô thế cô”, lại là thiểu số người Hoa nên bị hà hiếp”.