Cạm bẫy “bọc đường” phía sau những vụ mượn sổ đỏ, nhiều ngân hàng “dính đòn“

(PLO) - Nhiều gia đình ngậm đắng nuốt cay nhìn khối tài sản hàng tỷ đồng bị ngân hàng bắt làm "con tin" vì trước đó đã nghe lời ngo ngọt của một vài "người tốt bụng" mà mang sổ đỏ cho mượn. Bi kịch này vẫn luôn còn tính thời sự bởi trong nhiều năm qua, chuyện tưởng như đùa lại cứ liên tục xảy ra mà người dân chưa rút được kinh nghiệm.
Người dân mất tiền, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm
Mượn 500 triệu, nguy cơ mất tài sản gần chục tỷ đồng
Đó là bi kịch của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp, trú tạ tổ Hoàng Hanh, phường Dương Nội, Hà Đông. Vào thời điểm cuối tháng 5/2011, do cần tiền vốn để làm ăn nên anh Hợp đã chạy đôn, chạy đáo tìm cách vay bạn bè, anh em nhưng không được. Tưởng sẽ không có cơ hội thì một người bạn của anh Hợp nổi tiếng là giàu có vì là chủ doanh nghiệp nói với anh Hợp là đồng ý cho vay. Người bạn tốt này nói với anh Hợp là anh chỉ cần đưa "sổ đỏ" thửa đất mà gia đình anh đang sử dụng là vay được tiền.
Tin bạn, anh Hợp đã mang sổ đỏ của thửa đất 201m2 mà gia đình anh đang sử dụng cho bạn để vay tiền. Một vài ngày sau, bạn anh Hợp đưa người đến xác định giá trị tài sản và làm các thủ tục để anh Hợp vay tiền. Theo yêu cầu và hướng dẫn của những người đến làm thủ tục, anh Hợp đã ký biên bản định giá tài sản và sau đó là cả hợp đồng thế chấp tài sản mà không biết anh đang mang khối tài sản trị giá gần chục tỷ đồng để thế chấp và bảo lãnh cho Công ty Ánh Tùng vay vốn.
Khoảng 5 tháng sau khi được vay tiền, anh Hợp đề nghị trả tiền lấy lại sổ đỏ. Lúc này, người "bạn tốt" mới bảo anh Hợp đưa 300 triệu đồng thì sẽ nhận lại được sổ. Tiếp tục tin lời bạn, anh Hơp đã mang 300 triệu đồng trả cho ngân hàng. Sau khi đã trả tiền xong xuôi, theo lời bạn anh Hợp ra Chi nhánh Quang Trung ngân hàng Công thương Việt Nam để nhận lại sổ đỏ đã thế chấp. Nhưng câu trả lời anh nhận được là "sổ đỏ" nhà anh đã được thế chấp để bảo lãnh cho khoản nợ 2,8 tỷ đồng của Công ty Ánh Tùng. Lúc này anh Hợp mới chết điếng người và biết mình đã bị lừa dối.
Cũng giống như hoàn cảnh của gia đình anh Hợp, gia đình anh Lê Xuân Thắng trú tại phường La Khê, quận Hà Đông cùng gặp bi kịch tương tự. Do cần tiền để sửa chữa nhà, anh Thắng đã đến ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để vay tiền có thế chấp bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, anh Thắng không được chấp nhận cho vay và nhân viên của ngân hàng này đã hướng dẫn anh Thắng cách vay tiền là dùng đất của gia đình góp vào doanh nghiệp rồi lấy tư cách của doanh nghiệp để vay vốn. Những người này cũng giới thiệu để anh Thắng gặp doanh nghiệp có thể giúp đỡ anh Thắng.
Thực hiện đúng kế hoạch này, anh Thắng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty đầu tư và XNK Phúc Khang có trụ sở tại phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Ngoài ra, gia đình anh Thắng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho Công ty Phúc Khang vay tiền của một ngân hàng khác.
Sau khi bà Nguyễn Thị Tố, mẹ đẻ của anh Thắng ký hợp đồng bảo lãnh vay vốn cho Công ty Phúc Khang thì ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch HĐTV Công ty Phúc Khang đã cho anh Thắng vay 300 triệu để làm nhà.
Những cái bẫy giăng sẵn... 
Mang tiền về nhà nhưng gia đình anh Thắng chưa kịp sử dụng để sửa chữa nhà thì được tin Công ty Phúc Khang đã sử dụng tài sản của gia đình anh để vay tiền của Ngân hàng nói trên với một số tiền không nhỏ, khoảng hơn 2 tỷ đồng. Lúc này, ga đình anh Thắng mới tả hỏa và đọc lại hợp đồng và mới thấy nguy cơ mất cả chục tỷ đồng.
Theo anh Lê Xuân Thắng, diện tích đất của gia đình anh gần 900m2, nằm ngay trên mặt được Lê Văn Lương, đối diện khu đô thị Nam Cường có giá trị hàng chục tỷ đồng. Bản thân Ngân hàng trên định giá được gần 20 tỷ. Nếu cho vay theo mức 70% giá trị thế chấp thì bên được bảo lãnh có thể vay đến 14 tỷ đồng. Và, chỉ cần sau khi Công ty Phúc Khang vay tiền rồi "không trả được" nợ cho ngân hàng thì coi như gia đình anh Thắng sẽ mất không tài sản về tay ngân hàng.
Cũng may là ngay khi phát hiện nguy cơ này, gia đình anh Thắng đã làm đơn gửi ngân hàng và yêu cầu ngừng cho Công ty Phúc Khang vay tiền, đồng thời yêu cầu hủy hợp đồng và đòi lại tài sản thế chấp. Nhưng ngân hàng đã trả lời là gia đình anh Thắng phải đợi khi Công ty Phúc Khang trả hết nợ thì mới được giải chấp tài sản. Vậy là gần 900m2 đất của gia đình anh Thắng đã "bị bắt" làm con tin.
Cam bẫy mà gia đình anh Nguyễn Văn Hợp và Lê Xuân Thắng mắc phải không còn mới và cũng không còn xa lạ đối với những người làm trong ngành ngân hàng. Thế nhưng tại sao người dân vẫn "dính bẫy" mới là điều đáng nói. Theo Luật sư Trần Văn Toàn, VPLS Khánh Hưng thì việc người dân ký các hợp đồng thế chấp tài sản để bảo lãnh cho người thứ ba vay tiền xảy không phải xuất phát từ nguyên nhân là người dân thiếu hiểu biết mà xuất phát tư việc họ bị lừa dối có hệ thống.
Theo giải thích của Luật sư Trần Văn Toàn, người dân đã ký vào những văn bản có giá trị pháp lý chắc chắn như hợp đồng thế chấp, biên bản định giá tài sản nhưng bản thân họ không hiểu hết vì không được giải thích cặn kẽ về nội dung các văn bản này. Phía người đi vay tiền thì cố tình che dấu thông tin nên người có tài sản không thể hiểu hết bản chất của giao dịch mà họ đã ký. Đối với ngân hàng và công chứng, để được việc theo yêu cầu của người vay, họ cũng lờ tịt việc giải thích nội dung các văn bản này và hậu quả của việc ký văn bản. Do đó, không ít trường hợp, những kẻ xấu đã lợi dụng hợp đồng như trên để rút tiền của ngân hàng rồi bỏ mặc ngân hàng đi đòi nợ người dân.  
Hỏi & Đáp
ĐỂ NGƯỜI DÂN MẤT TIỀN, NGÂN HÀNG CŨNG PHAI CHỊU TRÁCH NHIỆM
Những vụ việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân rồi sử dụng tài sản của các "khổ chủ" để vay tiền xảy ra rất phổ biến. Theo ý kiến của nhiều luật sư thì hành vi này cho thấy, người vay tiền đã lợi dụng cả người dân và ngân hàng để rút tiền ngân hàng ra tiêu. Tuy nhiên, khi xử lý hậu quả thì hoàn toàn không thể buộc tội họ vì tất cả đã được thể hiện bằng hợp đồng có công chứng, không có chứng cứ chứng minh những tổ chức, cá nhân sử dụng tiền của ngân hàng cho vay bằng tài sản thế chấp là "lừa đảo" người dân.
Nhưng, người dân không phải là nạn nhân duy nhất của các phi vụ "mượn sổ đỏ" mà bản thân ngân hàng cũng lãnh đủ khi không thu hồi được nợ mà muốn bán đất thế chấp của người dân thì phải kiện ra tòa chứ không thể tự mang đất của dân đi mà bán. Vụ việc Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Quang Trung không thể thu hồi nợ của Công ty Ánh Tùng và cũng không thể lấy đất của gia đình anh Nguyễn Văn Hợp là minh chứng rõ ràng. Con nợ thì chây ì, tài sản thế chấp không xử lý được, ngân hàng chỉ còn cách chấp nhận... nợ xấu.
Nhưng nguyên do để dẫn đến tình trạng này có phải do lỗi của người đi vay hay do lỗi của cả ngân hàng? Về vấn đề này, Luật sư Trương Anh Tuấn, ĐLS tỉnh Bắc Ninh cho rằng, căn nguyên xuất phát từ chính ngân hàng.
Do nhiều ngân hàng quản lý cán bộ tín dụng chưa tốt nên đã để xảy ra tình trạng cán bộ tín dụng móc nối với người vay tiền để tìm mọi cách vay được tiền, kể cả việc lừa dối người khác để mượn tài sản thế chấp. Khi cho vay, việc thẩm định hồ sơ không kỹ, đặc biệt là không giải thích rõ hậu quả của việc thế chấp tài sản cho người có tài sản thế chấp. Thế nên, khi đã rải ngân rồi, ngân hàng không có cách nào thu hồi được tiền từ những người đi vay tiền bằng tài sản của người khác.
Luật sư Trương Anh Tuấn đánh giá, khi thế chấp bằng tài sản của người khác, người vay tiền có tâm lý tiêu hoang hơn là vay tiền mà thế chấp bằng tài sản của chính họ. Vì, nếu họ có tiêu quá tay, không trả được nợ thì ngân hàng phải đi bắt nợ người khác chứ bản thân họ đâu có chịu trách nhiệm gì. 
Để bảo vệ quyền lợi của người có tài sản thế chấp, theo Luật sư Trương Anh Tuấn, khi người vay thế chấp tài sản của người khác thì ngân hàng phải thẩm tra thật kỹ ý chí của chủ tài sản để xem chủ tài sản có biết việc người vay tiền sử dụng tài sản của họ để thế chấp hay không? Hậu quả của việc người vay tiền không trả được nợ như thế nào cũng phải được giải thích và yêu cầu người có tài sản thế chấp viết cam kết riêng về việc họ đã được giải thích về điều này. 
Nếu việc làm trên là một quy trình nghiệp vụ bắt buộc của các  ngân hàng thì sẽ không có người dân nào phải mất tiền oan vì những âm mưu xấu của những người cần tiền mà bán rẻ cả bạn bè và ngân hàng cũng không gặp nhiều rủi ro, nợ xấu. Rất tiếc, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa làm việc cần thiết trên dẫn đến người dân và cả ngân hàng đều phải chịu thiệt.
B.M

Đọc thêm