Để làm sáng tỏ sự thật, chúng tôi tiếp tục thông tin những vấn đề mà Cty Vĩnh Tường đang muốn che giấu dư luận.
Ngon ngọt khi vay tiền…
Năm 2006, Cty Vĩnh Tường đầu tư xây dựng Khách sạn Wooshu tại TP. Biên Hòa, Đồng Nai bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Nam Á (NH Nam Á). Do không trả nợ đúng hạn nên NH Nam Á đã áp dụng lãi phạt đối với Cty Vĩnh Tường và năm 2011, NH Nam Á đã đòi cả gốc và lãi. Tuy nhiên, Cty Vĩnh Tường đã không có tiền trả nợ.
Trong lá thư tay ngày 8/7/2011 mà bà Linda Tan Woo (tức Hồ Ngọc Dung, Chủ tịch Cty Vĩnh Tường) gửi cho “cậu Tuấn” (ông Tuấn, Giám đốc NH Nam Á) đã phơi bày sự thật này khi bà Linda Tan Woo vô cùng “sốc” trước việc NH Nam Á quyết định đến hết 30/10/2011, nếu Cty Vĩnh Tường không trả tiền gốc và lãi thì NH Nam Á sẽ phát mãi tài sản thế chấp là Khách sạn Wooshu của Cty Vĩnh Tường.
Ngoài ra, các ngôi nhà số 31 và số 131 Hoàng Hoa Thám, nhà 275 An Dương Vương là các tài sản thế chấp của Cty Vĩnh Tường cũng sẽ chịu chung số phận “phát mãi” để thu hồi khoản nợ gần 200 tỷ mà NH Nam Á cho Cty Vĩnh Tường vay, chưa kể tiền lãi.
Thời hạn trả nợ của bà Linda Tan Woo không còn nhiều và việc xoay được gần 200 tỷ trong vòng 3 tháng là nhiệm vụ “bất khả thi”. Nguy cơ toàn bộ tài sản thế chấp của Cty Vĩnh Tường sẽ bị bán phát mãi đã hiện rõ trước mắt. Theo bà Vũ Thị Thuận, mẹ chồng chị Nguyễn Thị Bích Hạnh, trước khó khăn này, bà Linda Tan Woo đã tìm gặp bà Thuận và nhờ “bạn cũ” giúp đỡ vì bà Linda Tan Woo biết vợ chồng chị Hạnh có năng lực tài chính và quan hệ rộng trong giới thương gia.
Trước sự “khổ sở” của bạn cũ, bà Thuận đã gọi các con đến giao nhiệm vụ phải giúp đỡ “cô Dung” vay tiền trả nợ. Thậm chí, bà Thuận còn làm mình làm mẩy với các con khi vợ chồng chị Hạnh có ý từ chối vì khoản tiền vay quá lớn, khó mà xoay xở được. Thế nên, vì nể mẹ mà vợ chồng chị Hạnh đã tìm người quen biết để hỏi vay tiền cho bà Linda Tan Woo. Chị Hạnh đã được bà Lan, đại diện Cty Orient Industry Investment ở Việt Nam đồng ý cho vay 229 tỷ đồng (11 triệu USD) với lãi suất thấp 1%/tháng để Cty Vĩnh Tường trả nợ.
Việc bà Linda Tan Woo nhờ chị Hạnh vay tiền không chỉ thể hiện trong các giấy tờ ủy quyền vay tiền, giao quyền cho chị Hạnh được sử dụng tiền để trả nợ mà trong các thư điện tử, bà Linda Tan Woo luôn khẳng định sự cảm kích của bà đối với vợ chồng chị Hạnh. Bà Linda Tan Woo luôn tỏ ra “ngọt ngào” với các “cháu” để vợ chồng chị Hạnh giúp đỡ.
Để vay được tiền, bà Linda Tan Woo đã ký các giấy tờ cần thiết để chị Hạnh “đủ tư cách” vay tiền cho Cty Vĩnh Tường, trong đó có việc bổ nhiệm chị Hạnh làm Phó Giám đốc Cty Vĩnh Tường và giao quyền chủ tài khoản, quyết định mọi việc vay tiền, trả tiền cho NH Nam Á cũng như quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của Cty sau khi đã được NH Nam Á giải chấp.
Trở mặt khi đến hạn trả nợ
Sau khi chị Hạnh vay được tiền và trả hết nợ cho NH Nam Á, còn thừa hơn 20 tỷ đồng (1 triệu USD), chị Hạnh đã thỏa thuận với đại diện bên cho vay để trả lại khoản tiền này. Thế nên, khoản vay của Cty Vĩnh Tường với Cty Orient chỉ còn là 209 tỷ đồng (tròn 10 triệu USD).
Nhưng khi đã thoát khỏi tình cảnh bị NH Nam Á phát mãi tài sản thì bà Linda Tan Woo dần quên trách nhiệm của mình đối với chị Hạnh và người cho vay tiền. Mối liên hệ với vợ chồng chị Hạnh cũng “nguội” dần. Trong thư gửi vợ chồng chị Hạnh, bà Linda Tan Woo cũng thừa nhận do “bận” nên ít hỏi thăm được mà chỉ hỏi thăm qua “chị Bảy” (tức mẹ chồng chị Hạnh).
Để vợ chồng chị Hạnh yên tâm trước khoản tiền đã vay giúp Cty Vĩnh Tường, bà Linda Tan Woo cũng vẽ ra nhiều dự án và nguồn tiền để trả nợ cho Cty Orient, như dự án khai thác than tại Indonesia để bán cho Trung Quốc. Tháng 3/2012, khi không trả được lãi vay cho Cty Orient làm “mất mặt” vợ chồng chị Hạnh, bà Linda Tan Woo còn khẳng định bên mua than đã mua than và mở LC. Bằng việc bán than này, bà Linda Tan Woo sẽ vay được 30 triệu USD, tha hồ mà trả nợ, nhưng cũng hơi mất thời gian nên đề nghị vợ chồng chị Hạnh nói giúp bên cho vay “thông cảm”.
Đến đầu năm 2012, Cty Vĩnh Tường chỉ trả được 6 tỷ tiền lãi rồi không trả tiếp nên vợ chồng chị Hạnh chỉ còn biết nói với bên cho vay “thông cảm”. Nhưng đến tháng 7/2012, khi khoản nợ cả gốc và lãi lên đến hơn 233 tỷ đồng mà bà Linda Tan Woo không trả lãi và không có gì để trả nợ, chị Hạnh đã yêu cầu bà Linda Tan Woo chuyển tên tài sản thế chấp là Khách sạn Wooshu cho bên cho vay để đảm bảo trả nợ. Lúc này, bà Linda vẫn vẽ ra khoản tiền hơn 20 triệu USD mà “người ta” phải trả cho bà, sẽ quá đủ để trả khoản nợ 10 triệu USD mà chị Hạnh vay giúp và đề nghị chưa sang tên tài sản cho bên cho vay để tránh việc Cty phải nộp… lệ phí trước bạ.
Nhưng, không thể tin tưởng những “chiếc bánh vẽ” của bà Linda Tan Woo, với tư cách được Cty Vĩnh Tường ủy quyền quản lý, định đoạt tài sản là Khách sạn Wooshu, chị Hạnh đã phải ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản này cho bên cho vay với giá 228 tỷ đồng để đảm bảo trả nợ. Và đúng như tiên liệu của chị Hạnh, đến hạn trả nợ cả gốc và lãi, Cty Vĩnh Tường không có một xu nào để trả.
Đến hạn trả nợ nhưng không có tiền để trả và cũng không chấp nhận mất tài sản đã thế chấp cho bên cho vay, bà Linda Tan Woo đã trở mặt với chị Hạnh. Việc đầu tiên mà bà Linda Tan Woo làm là ra quyết định hủy mọi ủy quyền cho chị Hạnh, trong đó có ủy quyền quản lý, sử dụng và định đoạt Khách sạn Wooshu. Bà Linda Tan Woo cũng tuyên bố không thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo hợp đồng do chị Hạnh đại diện cho Cty Vĩnh Tường ký với đại diện của chủ nợ.
Không những thế, bà Linda Tan Woo còn tố cáo chị Hạnh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng trong số tiền mà chị Hạnh vay của Cty Orient để trả nợ, khiến chị Hạnh suýt bị Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố. Không chỉ “trả ân” bằng việc “tố cáo bẩn” để đẩy ân nhân vào vòng lao lý, bà Linda Tan Woo còn muốn “quỵt” luôn cả số tiền đã vay.
(Còn nữa)