Cấm nồng độ cồn khi lái xe: Có nên loại trừ với người bị bệnh dẫn đến có nồng độ cồn nội sinh?

(PLVN) - Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về cấm tuyệt đối nồng độ cồn.
Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về cấm tuyệt đối nồng độ cồn. (Ảnh: Phạm Thắng)
Chiều 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về cấm tuyệt đối nồng độ cồn. (Ảnh: Phạm Thắng)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, về cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (QH) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của QH, các cơ quan có liên quan.

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến trên nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội, bảo vệ tuổi thọ của giống nòi. Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Góp ý nội dung này, ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho hay, trong đợt tiếp xúc cử tri tại Kỳ họp thứ 7 và trước Kỳ họp thứ 7, có cử tri nêu ý kiến kiến nghị tiếp tục giữ quy định nồng độ cồn bằng 0 như hiện nay để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cấm như vậy thì quá chặt. Vì vậy, ĐB Nguyễn Quang Huân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để QH quyết định sao cho Luật thông qua sẽ thấu tình, đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số Nhân dân.

“Ví dụ như, có bao nhiêu phần trăm số vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra và trong số vụ tai nạn do rượu, bia ấy, có bao nhiêu phần trăm vụ, chủ yếu ở độ tuổi nào, các đặc điểm chung của các nhóm đối tượng vi phạm… Nếu số lượng vụ vượt ngưỡng chiếm đa số các vụ tai nạn do rượu, bia gây ra và chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng nào đó thì có thể phân tầng và áp dụng các biện pháp giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, nghĩa là không nên quy định nồng độ cồn bằng 0.

Ngược lại, nếu số liệu thống kê cho thấy, loại hình tai nạn do rượu, bia gây ra chiếm tỷ lệ lớn, phân bổ ở mọi đối tượng, thành phần, độ tuổi không kể vượt ngưỡng hay dưới ngưỡng thì phải đưa quy định nồng độ cồn bằng 0 vào Luật. Có như vậy thì Luật được thông qua sẽ bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan”, ĐB phân tích.

Cơ bản thống nhất với quy định cấm nồng độ cồn nhưng theo ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), quy định cấm đã chặt chẽ chưa, liệu có dẫn đến trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là với người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, chứ không phải do uống rượu, bia. Có một số trường hợp bị bệnh xơ gan nặng, ung thư gan… thì hơi thở có thể có nồng độ cồn nội sinh, nên tham khảo ngành Y tế để tránh xử lý oan sai.

Đọc thêm