Cuối cùng thì toàn bộ nội dung bản Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 21/11, sau 3 tuần thông tin về “tinh thần của dự thảo”. Những người đang nắm giữ vàng miếng ngoài thương hiệu SJC có thể thở phào vì vàng mà mình đang sở hữu vẫn được lưu thông, thế nhưng…
|
Ảnh minh họa |
Thời gian chuyển tiếp - không dành cho sản xuất vàng miếng
Ngoài những nội dung về điều kiện được sản xuất (SX) vàng miếng, điều kiện được kinh doanh (KD), mua bán vàng miếng, điều kiện hoạt động SX vàng trang sức, mỹ nghệ đã được thông tin trước đó thì một nội dung quan trọng mà dư luận đang rất quan tâm là thời gian chuyển tiếp (Điều 22 Dự thảo).
Theo đó, thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động SX, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động KD mua bán vàng miếng là 6 tháng. Sau thời gian này, hoạt động mua bán vàng miếng phải được thực hiện tại các doanh nghiệp (DN) và tổ chức tín dụng (TCTD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp Giấy phép KD mua bán vàng miếng.
Khoản 3 của Điều này ghi rõ: Các giấy phép SX vàng miếng do NHNN cấp hết hiệu lực từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Điều này có nghĩa khi Nghị định có hiệu lực (Dự thảo dự kiến ngày 1/12/2011), 7 DN đang SX vàng miếng ngoài SJC sẽ phải ngưng SX.
Không có quy định nào về số phận của các thương hiệu vàng miếng này, tuy nhiên, trong thông tin về việc công bố toàn bộ nội dung Dự thảo Nghị định, NHNN khẳng định: Tất cả các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép SX và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi Nghị định mới về quản lý hoạt động KD vàng có hiệu lực thi hành.
Không cấm mà như cấm
Một chuyên gia đặt vấn đề: “Giả sử bạn đang sở hữu vàng của các thương hiệu vàng khác ngoài SJC, bạn có yên tâm cất trữ không hay là tìm cách thay thế bằng vàng SJC - thương hiệu vàng duy nhất được công nhận?”.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, không ít người gật gù thán phục “kế sách” của NHNN “không cấm mà như cấm”, bởi đến một lúc nào đó các thương hiệu vàng khác sẽ dần chuyển sang vàng SJC.
Nếu như Dự thảo này được thông qua, 7 DN không đủ điều kiện SX vàng miếng rồi cũng sẽ phải chuyển hướng, có thể sẽ KD mua bán vàng miếng SJC. Cùng với hệ thống các TCTD (gần như 100% đủ điều kiện KD mua bán vàng miếng vì đều đáp ứng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên) và một số ít DN lớn (đáp ứng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động KD vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc TW trở lên) được KD vàng miếng, câu chuyện quản lý nhà nước của NHNN sẽ đơn giản hơn rất nhiều, song cơ quan này sẽ phải giải tiếp bài toán độc quyền!
Vàng SJC sẽ đổi sang thương hiệu... Ngân hàng Nhà nước Hôm qua – 25/11, trên diễn đàn Quốc hội, trả lời chất vấn của các đại biểu về dự thảo quản lý thị trường vàng đang gây xôn xao dư luận và việc đưa vàng SJC vào thế độc quyền có thể khiến nhiều thương hiệu vàng khác bị xóa sổ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, với thị phần chiếm 90% thị trường vàng miếng trong nước, vốn trực thuộc TP HCM. Mới đây, NHNN đã bàn với UBND TP. HCM và kết luận rằng SJC sẽ trực thuộc NHNN. Bằng việc này, NHNN cùng lúc đạt được hai mục tiêu là giữ vững sự độc quyền trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, đồng thời tiết giảm được chi phí. Thống đốc nói rõ, “vàng SJC trở thành nhãn vàng của NHNN" và cho biết thêm, khi có điều kiện, thương hiệu vàng SJC sẽ được đổi tên thành vàng SBV (SBV là tên viết tắt tiếng Anh của NHNN - State Bank of Vietnam). Trong vấn đề này, liên quan đến độc quyền, lợi ích nhóm, hay sự thiệt thòi của các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác, người đứng đầu NHNN cho rằng cần phải “hy sinh vì lợi ích quốc gia và vì yêu cầu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô”. |
Hiểu My